Đừng ác một cách hồn nhiên!

Bị hai lần làm nhục giữa chốn đông người, em đã tự tử. Thật quá đau lòng!

Dù các em có nghịch ngợm kiểu gì thì cũng xin hãy nhớ cho, em chỉ là một đứa trẻ 15 tuổi. Vì bênh con em mình, bậc phụ huynh kia đã chọn bạo lực để đối xử với một đứa trẻ khác bằng cách đánh đập, bắt quỳ xin tha lỗi.

Có lẽ nhiều người lớn khác cũng không cảm thấy việc trút cơn giận lên đầu một đứa trẻ là quá độc ác, họ vẫn thỉnh thoảng làm như vậy với đứa trẻ nào đó hoặc với chính con mình. Ví dụ như trong trường hợp này, có thể họ chỉ muốn “dạy cho nó một bài học để không đụng tới con mình nữa”.

Nhiều người vẫn hay nói “thương cho roi cho vọt” nên ngay cả khi sử dụng bạo lực với con, họ vẫn không cảm thấy ân hận. Có những người đánh con, bắt con đeo bảng đi diễu phố (hoặc quanh làng) vì cái tội mê chơi game, lười học. Họ ác một cách hồn nhiên!

Những đứa trẻ không vượt qua được, chúng có thể tự tử. Còn những người từng là nạn nhân của bạo lực hoặc từng gặp một biến cố khủng khiếp liên quan đến bạo lực, họ rất khó thoát ra ám ảnh đó, ảnh hưởng đến tâm tính về sau. Có những người trưởng thành đã làm cha, làm mẹ vẫn đến gặp chuyên gia tâm lý vì không thoát ra khỏi những ám ảnh và nhận mình rất khó quay lại làm người bình thường.

Em Huy bị đánh, bắt quỳ gối xin tha lỗi trước mặt nhiều người đã là một sự bị làm nhục. Rồi bị tung clip về cảnh đó lên mạng là một cú đúp bị làm nhục thứ hai. Làm sao một đứa trẻ 15 tuổi có thể chịu đựng nổi?

Mạng xã hội có rất nhiều điều hay nhưng cũng đầy những lời nguyền độc ác. Những lượt like, lượt share, những lời bình phẩm trên một clip xấu sẽ khiến nạn nhân trong clip chịu đựng thêm nhiều lần những tổn thương tinh thần khủng khiếp. Nhưng đám đông vẫn cứ share vì muốn có view, có like hoặc vẫn like, vẫn comment vì tò mò.

Không thể thuyết phục đám đông đó bớt hung hãn hay chưa thể có cơ chế nào đó có thể ngăn những clip xấu phát tán trên mạng. Nhưng ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ, thầy cô và những người lớn liên quan có thể giúp các em có trách nhiệm hơn khi tham gia thế giới mạng và hiểu biết về nó, để khi có những biến cố xảy ra, các em đủ sức đề kháng để vượt qua. Mà trước hết, người lớn là chỗ dựa tinh thần cho các em và đừng tiếp tục ác một cách hồn nhiên!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm