Đưa vụ đòi nước cho sông Vu Gia ra Quốc hội

Sáng 2-4, đoàn làm việc của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) chặn dòng, không trả nước cho hạ du sông Vu Gia.

Tiếp tục đòi nước cho sông

Tại cuộc làm việc, TP Đà Nẵng tiếp tục gửi công văn của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tới đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo thủy điện Đắk Mi 4 trả lại nước cho vùng hạ lưu sông Vu Gia.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho biết: “Người dân TP Đà Nẵng chỉ trông chờ vào nguồn nước từ sông Vu Gia mà sống. Tuy nhiên, thủy điện Đắk Mi 4 lại chặn dòng, lấy nước từ Vu Gia đổ ra sông Thu Bồn làm cho vùng hạ du thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bảy năm từ khi thủy điện chặn dòng, mùa khô nước không còn chảy về TP Đà Nẵng. Sông ngòi, hồ chứa khô rộc. Mỗi năm cứ bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 là nguồn nước ngọt sinh hoạt và tưới tiêu của TP lại bị đe dọa nghiêm trọng chỉ vì các thủy điện tại phía tây Quảng Nam không chịu xả nước. Trong khi đó, nguồn nước ngầm cũng giảm mạnh. TP Đà Nẵng chỉ còn mong chờ nước từ sông Vu Gia” - ông Điểu nói.

Đưa vụ đòi nước cho sông Vu Gia ra Quốc hội ảnh 1

Ruộng của nông dân huyện Điện Bàn (Quảng Nam) khô, nứt nẻ vì thiếu nước. Ảnh: LÊ PHI

Theo UBND TP Đà Nẵng, thủy điện Đắk Mi 4 làm hạn hán nghiêm trọng, làm ô nhiễm vi sinh kéo dài trên hệ thống sông Hàn. Độ mặn trên sông Hàn diễn biến phức tạp, 10.000 ha lúa của nông dân có nguy cơ mất trắng. Chưa hết, hiện độ mặn đo được ở Điện Bàn (Quảng Nam) đạt ở mức kỷ lục là 16/1000 khiến việc cung cấp nước cho toàn huyện bị gián đoạn. Nhiều người dân tại thị trấn Vĩnh Điện đã phải đi mua nước về dùng trong khi các trạm bơm không thể hoạt động.

“Nếu Chính phủ, Quốc hội không quan tâm tới hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn thì rất nguy. Mùa mưa thì vùng hạ du là túi nước để thủy điện xả nhưng mùa khô thì sông ngòi chẳng có giọt nước nào. Đời sống người dân luôn bị đe dọa vì thiếu nước” - ông Điểu nói.

Sẽ đưa vấn đề ra trước Quốc hội

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói: Sau khi có ý kiến thì Đắk Mi 4 xả 6m3/giây, không thấm tháp vào đâu trong khi chỉ đạo của phó thủ tướng là 25 m3/giây.

“TP đã nhiều lần yêu cầu thủy điện này trả nước 25 m3/giây nhưng vẫn không được. Trong khi Luật Tài nguyên nước đã quy định rất rõ là phải ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt. Vì vậy, TP yêu cầu thủy điện phải xả nước cứu hạ du. Đề nghị trung ương xử lý vấn đề này chứ không thể để kéo dài mãi được” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Nghĩa - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết: “Trong kỳ họp tới đây, tôi sẽ đưa vấn đề này ra chất vấn trước Quốc hội để yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 trả lại nước cho hạ du sông Vu Gia. Đây là vấn đề cấp bách của hơn 1 triệu dân TP Đà Nẵng và Quảng Nam, không phải chuyện nhỏ. Sau nhiều lần kiến nghị, chúng tôi đang rất bực mình với thủy điện này!”.

Cũng theo ông Nghĩa, TP rất hiểu và thông cảm cho nhà đầu tư đã phải bỏ một số tiền lớn vào thủy điện. “Trong công cuộc phát triển hiện nay chúng ta rất cần tới điện. Điện là rất cần thiết để phục vụ sản xuất nhưng phát triển thủy điện cũng phải hài hòa. Thủy điện nên chia sẻ lợi ích của mình để xả nước cứu vùng hạ du, đặc biệt là lúc này” - ông Nghĩa cho hay.

Sau khi nghe báo cáo, ông Phan Xuân Dũng cho biết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến để báo cáo cho Quốc hội. “Thực ra nếu không làm thủy điện là không được nhưng vấn đề nằm ở chỗ phải làm thủy điện cho hợp lý, tạo ra sự hài hòa giữa các lợi ích, tránh các xung đột lợi ích. Đoàn công tác được Quốc hội chỉ đạo là phải xem xét lại việc quy hoạch và phát triển các thủy điện trên hệ thống các con sông. Muốn giải quyết tốt vấn đề hạ du sông Vu Gia, phải đi khảo sát, xem xét thật cụ thể”.

Xả nước để đảm bảo an sinh xã hội

Hồ chứa thủy điện đa chức năng, đảm bảo việc sử dụng tài nguyên nước hài hòa nên thủy điện Đắk Mi 4 phải ưu tiên xả nước, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Việc xả nước có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của thủy điện nhưng ưu tiên hàng đầu phải là con người. Khi xảy ra hạn hán thì nhà máy thủy điện phải hỗ trợ cho người dân trong nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, vật nuôi… Đó là nguyên tắc sử dụng tài nguyên nước mà quốc tế cũng tuân thủ. Xả nước cứu hạn vùng hạ lưu có thể gây lỗ cho nhà đầu tư, làm giảm nguồn điện cho hệ thống nhưng để đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, thủy điện phải xả nước cho sinh hoạt, cho trồng trọt, tưới tiêu của người nông dân nghèo.

TS ĐÀO TRỌNG TỨ,Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN)

Hồ thủy điện làm hạ lưu thêm hạn

Tôi vừa đi thực địa vùng hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn và cảm nhận được nạn khô hạn nghiêm trọng tại đây. Nguyên nhân của tình trạng khô hạn căng thẳng như trên, ngoài yếu tố thời tiết thì cũng phải kể đến các hồ chứa thủy điện. Khu vực miền Trung vừa qua hạn hán, ít mưa, trong khi các hồ chứa thủy điện lại khư khư giữ nước làm vùng hạ lưu càng thêm khô hạn, đặc biệt là lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn tập trung nhiều thủy điện. Việc các địa phương hạ lưu đòi hỏi phải trả lại nước cho sông Vu Gia là yêu cầu chính đáng, cần được giải quyết. Bởi nguyên tắc quản lý, sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo chia sẻ lợi ích giữa các bên, không thiên lệch kiểu thủy điện “ôm hết” như hiện nay.

Bà LÂM THỊ THU SỬU,Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
Phát triển Xã hội (CSRD)

Chưa tính tới việc phân chia nguồn nước

Chiều 2-4, ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Khi xây dựng, thủy điện Đắk Mi 4 có thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) rồi gửi Bộ TN&MT thẩm định. Thẩm định xong, Bộ có gửi về cho Sở một bản. Thực ra lúc đó ĐTM chủ yếu tính đến chuyện dọn lòng hồ, ĐTM còn rất đơn giản. Ngoài ra, Đắk Mi 4 ra đời trước khi có nghị định về dòng chảy tối thiểu nên chưa tính hết đến việc phân chia nguồn nước giữa Vu Gia và Thu Bồn. Chính vì vậy mà sau này Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới có chỉ đạo yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 xây cửa xả 25 m3/giây đổ về Vu Gia. Còn bây giờ thì đã có Luật Tài nguyên nước nhưng lại đang chờ thông tư hướng dẫn nên mấy cái ĐTM hay nghị định trước đây giờ cũng đã lạc hậu”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm