Đưa con nghiện vào trại: Tòa chưa xử vì đợi... tập huấn

Trên số báo vừa qua, chúng tôi đã phản ánh tình trạng người nghiện tại TP.HCM gây nhiều vụ án trong khi từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp nào người nghiện bị đưa đi cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án cấp huyện được nêu trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014).

Lý giải việc này, các địa phương cho rằng phải chờ biểu mẫu và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mới có hồ sơ chuyển lên tòa án. Trong khi tòa án thì chờ tòa cấp trên triển khai tập huấn mới dám làm…

Chưa biết nơi tiếp nhận

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số tòa cấp huyện tại TP.HCM chưa thụ lý hồ sơ nào từ phía địa phương chuyển qua để tòa ra quyết định đưa người đi cai nghiện bắt buộc.

Theo bà Trần Thị Bích Thủy, Chánh án TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM), ngày 10-4-2014, TAND Tối cao đã có công văn tạm thời ban hành một số mẫu văn bản TAND trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Trong đó có mẫu quyết định áp dụng (không áp dụng) biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (mẫu số 5). Tuy nhiên, tòa chưa tiếp nhận thụ lý vì phải chờ tòa cấp trên tập huấn. Hơn nữa, hiện cũng chưa rõ trường trại nào, ở đâu tiếp nhận người nghiện cai nghiện bắt buộc sau khi tòa có quyết định.

Năm 2013, Nguyễn Quang Mạnh (phường 7, quận 10) xông vào nhà sát hại người dân xin tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Ảnh tư liệu

Ông Phạm Minh Triều, Chánh án TAND quận Gò Vấp, cũng thông tin là tòa này chưa tiếp nhận hồ sơ vì phải chờ ý kiến, tập huấn của TAND TP.HCM. Cách làm này cũng tương tự tại TAND quận 8.

Lãnh đạo một số tòa án quận, huyện cho biết thực tế có một số cơ quan công an, chính quyền địa phương trao đổi (miệng) về việc chuyển hồ sơ qua tòa để tòa thụ lý, ra quyết định. Tuy nhiên, chưa thấy hồ sơ nào được chuyển sang.

Thông tin từ TAND TP.HCM cho biết giữa tháng 7 này tòa sẽ tổ chức khóa tập huấn cho các thẩm phán tòa án quận, huyện trong việc áp dụng ra quyết định trên để triển khai áp dụng đồng loạt.

Chưa rõ nơi nào quản lý người nghiện lang thang

Trong khi đó, ông Đỗ Thế Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, không đồng tình với ý kiến của đại diện cơ quan tòa án cho rằng chưa rõ trường trại nào, ở đâu tiếp nhận người nghiện cai nghiện bắt buộc sau khi tòa có quyết định. “Chuyện này đơn giản vì từ nhiều năm trước, UBND TP đã có văn bản phân bổ cho quận, huyện nào đưa vào trung tâm cai nghiện nào rồi” - ông Minh nói. Theo ông Minh, hiện nay còn vướng chưa đưa người nghiện đi cai bắt buộc chủ yếu khâu lập và duyệt hồ sơ do công an và UBND các phường, xã. Còn chi cục chỉ bắt đầu quản lý từ khâu đưa người vào trung tâm.

Theo ông Văn Kiều, Phó phòng LĐ-TB&XH quận 5, để việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc thông suốt, UBND TP cần có cuộc họp liên ngành tư pháp, tòa án, công an, lao động thương binh xã hội… để thống nhất quy trình chung. “Riêng những đối tượng nghiện lang thang, không có nơi cư trú ổn định mới đáng lo, đây thực sự là mối nguy hiểm cho xã hội. Quận hiện có khoảng 10 đối tượng dạng này. Theo quy định trước đây, khi thẩm định người nghiện không có nơi cư trú, trong vòng 15 ngày phải đưa vào trung tâm tiếp nhận Bình Triệu. Tuy nhiên, theo Nghị định 221/2013 thì UBND cấp xã phải giao cho tổ chức xã hội quản lý họ trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Mà hiện chưa biết tổ chức xã hội nào sẽ quản lý, quản lý ra sao nên chỉ lập hồ sơ, cảnh cáo rồi thả ra, chờ khi nào có quy trình cụ thể, lập hồ sơ đầy đủ rồi mới đưa đi cai nghiện tập trung...”.

Và trong khi các cơ quan chức năng, tòa án chưa đưa được người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì các vụ án cuồng sát, cướp, cướp giật do người nghiện lên cơn, đói thuốc tiếp tục xảy ra.

T.MẬN - H.YẾN - K.PHỤNG

Quy định khó bó địa phương

Theo Nghị định 221/2013, thì chủ tịch UBND cấp xã phải có quyết định giao người nghiện lang thang (không có nơi cư trú nhất định) cho tổ chức xã hội quản lý họ trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vậy nhưng tổ chức xã hội nào quản lý đối tượng nghiện lang thang thì vẫn chưa có văn bản nào
chỉ rõ.

Trong khi đó, nghị định này yêu cầu các tổ chức xã hội quản lý họ trong thời gian làm thủ tục phải bảo đảm các điều kiện gần giống một cơ sở cai nghiện. Về cơ sở vật chất nghị định yêu cầu hàng loạt tiêu chí về diện tích phòng ốc, thiết bị y tế, dụng cụ sinh hoạt…

Chưa hết, về nhân sự, nghị định yêu cầu phải có tối thiểu bốn người gồm: Phụ trách đơn vị điều trị cắt cơn là y, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề theo quy định và có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy; một y, bác sĩ điều trị; một điều dưỡng viên; một bảo vệ.

Tại TP.HCM, theo quy trình cũ trước đây thì người nghiện ma túy lang thang sẽ được đưa vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu. Đây là nơi có đủ đội ngũ cán bộ y tế, bảo vệ… để thực hiện công việc điều trị cắt cơn ban đầu. Thế nhưng khi việc cai nghiện ma túy được áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (mới), thì nơi đây không còn tiếp nhận những đối tượng dạng này nữa. Trong khi đó, đến nay chưa có quận, huyện nào có thể đảm đương nổi một cơ sở lưu trú tạm thời với các điều kiện như trên.

Quản lý tập trung một người nghiện, nhất là người nghiện lang thang trong thời gian chờ lập hồ sơ để đưa vào trung tâm cai nghiện không dễ chút nào. Luật đã có hiệu lực từ sáu tháng qua mà đến nay những đối tượng nghiện lang thang vẫn chưa có nơi nào để đưa vào. Và sắp tới, liệu các quận, huyện có kịp cho ra đời một cơ sở lưu trú ban đầu đối với người nghiện không nhà cửa? Và không lẽ lại phải tốn kinh phí để xây mới những cơ sở chỉ dành cho những người nghiện lang thang lưu trú những ngày đầu?

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm