Du lịch kiếm... like, chao đảo đời thật

Sáng 5 giờ, trời còn mờ sương nhưng Phương Nguyễn, một cậu trai ngoài 20 tuổi, đã một mình chạy xe máy băng qua cung đường quanh co để đến cây thông cô đơn (Đà Lạt). Cậu chạy đến cuối điểm định vị trên Google Maps thì con đường biến mất, có con suối chặn ngang. Chỗ này không băng qua được…

Tám tiếng cho một tấm ảnh

Phương Nguyễn quay ngược xe về điểm xuất phát, quày quả lướt xe hướng về một con đường khác. Trời hửng nắng, cậu trai thầm lo lắng. Cuối cùng cậu cũng đến được bến thuyền băng qua hồ và đến được cây thông cô đơn. Cậu ở bên cây thông, chụp cả trăm bức ảnh check-in cùng cái cây. Khi dung lượng iPhone báo đầy, cậu quày quả trở lại bến đò để quay về trung tâm thành phố.

Cậu vào quán, gọi một ly trà rồi ngồi xóa bớt những bức ảnh chụp với cây thông, chọn ra một tấm ưng ý nhất và đăng lên trang Facebook của mình.

Bức ảnh nhanh chóng đạt 200 like từ bạn bè. Trong khi chờ… like, cậu trai lại chụp tách trà, những góc đẹp của quán. Chụp mệt, cậu ngồi xem và trả lời các bình luận của bạn bè. Những bình luận kiểu: “Sướng quá được đi chơi quài”, “Thèm đà lạt ghia nà”, “Cây thông đẹp quá xá”, “Sao có một mình vậy, gấu đâu”…

Đã 1 giờ chiều, cậu thấy thấm mệt sau gần tám tiếng bỏ công cho một tấm ảnh mà cậu cho là đẹp “long lanh”, “xuất sắc”. Phương Nguyễn dựa lưng vào ghế, nghĩ đến nấc thang lên thiên đường mà sáng mai cậu sẽ đến check-in. Cậu nghĩ đến lời dặn của đứa bạn từng đi, hơi ngao ngán chút nhưng có sá gì, cậu đã từng chờ cả tiếng đồng hồ để chụp một tấm ảnh với trọn bức tường vàng tiệm bánh Cối Xay Gió, suýt ngã lộn cổ khi tạo dáng ở Tuyệt Tình Cốc.

Trong khi đó, Phạm Tuyết Trâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tỏ ra khá thất vọng khi check-in đồi cỏ hồng. “Bọn em thuê xe chạy đi chụp ảnh đồi cỏ hồng mà lên đến nơi thì mưa, với lại chẳng thấy cỏ đẹp như hình trên mạng. Mưa thế này chụp ảnh không đẹp, bọn em cũng chẳng biết làm gì” - Trâm buồn bã nói.

Các bạn trẻ xếp hàng dài dưới trời mưa chỉ để chụp một tấm ảnh với bức tường tiệm bánh Cối Xay Gió ở Đà Lạt. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sống bằng… like

Có rất nhiều người trẻ như Phương Nguyễn. Họ đứng xếp hàng dài trước một điểm check-in, chờ hàng giờ đồng hồ để lấy kết quả hàng trăm, hàng ngàn like trên Facebook. Sau đó lại bỏ hàng giờ đồng hồ “tiếp đón” bạn bè đến “viếng” Facebook. Mỗi khi thấy một điểm check-in mới nổi, họ lại muốn được đến đó để check-in, để có những tấm ảnh long lanh choán đầy bộ nhớ điện thoại, rồi sẽ xóa đi để lấy chỗ cho những tấm ảnh khác, điểm check-in khác.

Chuyên gia tâm lý, ThS Vũ Kim Ngọc cho rằng tâm lý của giới trẻ hiện nay bị ảnh hưởng với cách giáo dục từ khi họ còn thơ ấu. Cách giáo dục bề nổi, giáo điều, áp đặt, chỉ trọng hình thức đã khiến nhiều người không nhận ra giá trị về văn hóa ẩn sâu bên trong mỗi bài học. Học về địa lý, lịch sử mà chỉ thuộc lòng, học, thi, rồi… quên. Học sinh chỉ học qua loa mà không chú tâm tự tìm hiểu, tự khám phá mỗi bài học mà mình trải qua.

“Vì vậy khi lớn lên, rời nhà trường, nhiều người cũng sống theo kiểu qua loa, không tìm hiểu, không khám phá, không quan tâm bản sắc văn hóa hay các giá trị cốt lõi khác. Họ cùng nhau đến ga Đà Lạt để chụp ảnh, check-in mà chỉ biết đó là một nơi chụp ảnh đẹp. Chụp xong về cũng không biết ga Đà Lạt có cái gì hay, có cái gì là đẹp, là khác biệt với các nhà ga khác. Họ cũng không biết xe lửa đó có gì hay, có gì đặc biệt” - bà Ngọc nhấn mạnh.

Cũng theo bà Ngọc, lối sống của giới trẻ do họ tự quyết định, đấy là điều cần tôn trọng. Tuy nhiên, có thể dẫn đến hậu quả xa hơn là đánh mất niềm yêu thích về văn hóa, lịch sử, chỉ chạy theo thời thượng, bề ngoài mà không hiểu rõ về văn hóa, đời sống, kiến trúc hay những điều giá trị khác. “Lãng phí thời gian, công sức và đánh mất cơ hội là điều rất đáng tiếc. Chúng ta vẫn thán phục người phương Tây khi họ đi du lịch, họ đến thăm bảo tàng, tìm hiểu về văn hóa, về phong tục tập quán của chúng ta, thưởng thức ẩm thực, âm nhạc, đời sống của người dân. Trong khi bản thân người Việt chưa hẳn đã hiểu về chính văn hóa truyền thống của mình. Đó là điều rất đáng tiếc” - bà Ngọc chia sẻ.

Thay đổi từ giáo dục

Lối sống là do mỗi người tự chọn và chịu trách nhiệm. Chúng ta chỉ có thể hướng trẻ em, giới trẻ đến chân, thiện, mỹ bằng cách giáo dục, hướng đến cốt lõi và phát huy tính chủ động của học sinh. Có thể yêu cầu học sinh tự đi tìm hiểu một địa điểm, một sự việc, một công trình kiến trúc… cho thấu đáo. Khi được chủ động dung nạp thông tin, được tiếp cận, được thực tế…, các em sẽ trân trọng hơn những kiến thức, những trải nghiệm mà mình có. Khi lớn lên, các em có đi du lịch, gặp sự kiện gì thì các em cũng tiếp tục tinh thần chủ động tìm tòi, học hỏi mà tiếp cận vấn đề.

Chuyên gia tâm lý, ThS VŨ KIM NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm