Đồng Nai vẫn loay hoay kiện hay không kiện Vedan

Ngày 16-8, UBND tỉnh Đồng Nai có cuộc họp với Đảng đoàn TAND tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Hội Nông dân, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Tư pháp và Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh để bàn về việc xây dựng các phương án tiếp nhận số tiền bồi thường 120 tỉ đồng từ Vedan để chi trả cho người dân. Tuy nhiên, chưa có phương án nào được gút bởi mọi chuyện vẫn phải chờ hỏi ý kiến người dân.

Phát phiếu hỏi ý dân trong tháng 8

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Phạm Văn Dung, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay đã có trên 3.000 đơn kiện Vedan nộp tại tòa, tuy nhiên số đơn này chỉ đáp ứng một số yêu cầu ban đầu tại tòa. Tỉnh cũng chưa có ý kiến về số tiền 120 tỉ đồng do Vedan đưa ra vì cho rằng đây là tiền của dân.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục giao Hội Nông dân phối hợp với Hội Luật gia, Sở TN&MT và các địa phương lấy ý kiến người dân có tiếp tục kiện hay không kiện Vedan. Cùng với đó, các cơ quan này sẽ phải tiếp tục phân tích, giải thích cho người dân biết những khó khăn và thuận lợi khi kiện. Đợt này sẽ lấy hết ý kiến trên 5.000 hộ dân, dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 8 theo hình thức phát phiếu. “Cả hai phương án nộp đơn tại tòa và vận động người dân rút đơn kiện sẽ được triển khai song song” - ông Dung cho hay. Cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành tính toán lại các thiệt hại để áp giá chính thức tại các khu vực bị ảnh hưởng. “Nhà nước sẽ không động một đồng của dân, vì vậy phải tính toán hết các thiệt hại” - ông Dung nói.

Đồng Nai vẫn loay hoay kiện hay không kiện Vedan ảnh 1

Ông Phạm Văn Dung, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, trả lời báo chí sau cuộc họp. Ảnh: P.ĐIỀN

Về con số gần 120 tỉ đồng tỉnh yêu cầu Vedan bồi thường, ông Dung nói: “Đây là con số từ cơ quan chuyên môn đưa ra (Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐH Quốc gia TP.HCM) và chỉ đạo của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, trên thực tế nguyện vọng của người dân thì cao hơn, vì vậy có sự chênh lệch và khó đáp ứng hoàn toàn. Nếu người dân kiện thì sẽ còn tiếp tục kéo dài”.

Với câu hỏi tại sao ngay từ đầu Đồng Nai không làm theo cách của TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu mà lại để dây dưa kéo dài như vậy, ông Dung trả lời: “Mỗi địa phương có một cách, TP.HCM có giống Vũng Tàu đâu. Đồng Nai cũng có cách riêng. Đến thời điểm nào nó kết thúc thì nó sẽ kết thúc”.

Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất phương án chi trả

Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Trưởng Ban chỉ huy thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường vụ Vedan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: UBND tỉnh đã thống nhất phương án chi trả tiền bồi thường đợt một do ban chỉ huy và các luật sư đưa ra. Cụ thể, trước mắt sẽ rà soát, xác thực lại toàn bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường của 1.255 hộ dân để chính thức niêm yết danh sách các hộ nhận tiền bồi thường trong vòng 10-15 ngày.

Theo ông Cường, dự kiến từ ngày 13 đến 21-9 sẽ tiến hành trả tiền bồi thường thiệt hại đợt một tại bốn xã, tiến độ thực hiện 30-40 hộ/ngày. Thành phần chi trả gồm đại diện UBND xã, Ngân hàng NN&PTNT, tổ đại diện các hộ ngành nghề hoặc cộng đồng. Thành phần giám sát gồm ban chỉ huy và các luật sư.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết thêm: “Ông Yeh Sheau Yeh (ông Diệp), Giám đốc Văn phòng tổng giám đốc Công ty Vedan, thông báo ngày 18-8, Vedan sẽ chuyển thư chuyển tiền đợt một là 50%, tương đương 26,8 tỉ đồng và thư bảo lãnh số tiền đợt hai là 50%, tương đương với số tiền 26,8 tỉ đồng vào tài khoản UBND huyện Tân Thành. Riêng 500 triệu đồng tiền chi phí điều tra, thống kê thiệt hại (chuyển cùng đợt một) sẽ chuyển vào tài khoản của Sở NN&PTNT. “Ngay khi có tiền trong tài khoản, các luật sư sẽ rút đơn kiện Vedan tại TAND huyện Tân Thành theo như nội dung cam kết” - ông Hiến nói.

Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Hậu, một trong bốn người đại diện theo ủy quyền của các hộ dân huyện Cần Giờ, TP.HCM, cũng cho biết Vedan thông báo ngày 18-8 sẽ chuyển 50% số tiền trong đợt một, tương ứng với 22,8 tỉ đồng, cùng 500 triệu đồng tiền chi phí điều tra, thống kê thiệt hại và thư bảo lãnh trả tiền đợt hai.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm