Đồng đội trong trái tim nữ quân nhân 16 tuổi

Thời điểm đó, chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt. Việc đảm bảo kết nối và thông suốt thông tin giữa tiền tuyến và hậu phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đơn vị D26, Đại đội 1 Thông tin chúng tôi có nhiệm vụ như thế.

Đơn vị ban đầu đóng tại Sa-van-na-khet của nước bạn Lào. Đến năm 1974,  chúng tôi được điều động từ chiến trường C về chiến trường B, đặt tổng đài AC8 tại Quảng Nam. Nơi chúng tôi ở, trước đó đã có ba nữ chiến sĩ quê Thái Bình hy sinh bởi một trận bom.

Tác giả Vũ Thị Ngọc Bé thời thiếu nữ 16 tuổi, làm bộ đội thông tin. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Những ngày đầu tới nơi mới, tôi bất ngờ đổ bệnh sốt rét nặng. Chị y tá tên Tách là người đầu tiên phát hiện. Hôm đó, thấy tôi lảo đảo rời tổng đài sau ca trực, chị chạy tới rờ trán, hấp tấp dìu tôi vào giường nghỉ. Sau khi nhìn vạch thủy ngân trên nhiệt kế tôi cặp, chị mắng tôi chủ quan với sức khỏe.

Đưa thuốc cho tôi uống xong, chị Tách xuống nhà bếp tự tay nấu cháo ép tôi ăn rồi lại đôn đáo chạy ra ngoài hái rau khoai và lá me chua về cho tôi “bồi dưỡng”. Nhìn dáng vẻ lo lắng, tất bật của chị, tôi bỗng cảm thấy thương cô y tá này vô cùng.

Chính trị viên đơn vị Nguyễn Quốc Hùng lúc biết tin đã vội vã tới thăm lính, cũng “mắng” tôi không chú ý giữ sức khỏe. Anh gõ gõ trán tôi như với một người em gái, hỏi:“Đau thế nào?” rồi tự trả lời thay câu an ủi “Không sao”(!).

Các đồng đội khác đều thương tôi con gái yếu đuối. Ngoài những khẩu phần ăn tốt nhất dành cho người ốm, họ thường tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca trực tới thăm. Có người tâm tình chuyện gia đình, về cuộc sống tương lai, có người lại kể những thông tin thắng lợi vừa nhận được trên chiến trường. Trong hoàn cảnh ốm đau, những lời động viên, an ủi chân thành ấy có giá trị rất nhiều.

Tác giả bên đồng đội vào năm 1974.

Thuốc men thời ấy rất thiếu thốn. Tôi nằm li bì, vật vã với cảm giác lúc nóng bừng bừng như lửa đốt, khi lại run cầm cập bởi cái lạnh âm ỉ xương tủy. Ký ức về gia đình, quê hương luôn chập chờn trong những thời khắc cuộc sống vật lộn với tử thần như thế.

Tôi nhớ cha, người từng qua quân ngũ và động viên tôi “khai gian tuổi” để đăng ký tình nguyện nhập ngũ. Buổi sáng, khi tôi chào cha để lên đường, cha dặn tôi cố gắng rèn luyện, cống hiến cho Tổ quốc. Rồi cha tạm biệt tôi bằng một nụ cười đôn hậu, ánh lên nét tự hào vì sự trưởng thành của con gái. Nhưng ẩn sâu trong đôi mắt cha, tôi cảm nhận được sự lưu luyến và thương nhớ vô bờ bến.

Khi ấy, tâm trạng xa nhà trong lúc đau ốm thật kinh khủng. Và có lẽ, tôi sẽ không vượt qua nổi nếu không được sưởi ấm và che chắn bởi tình đồng đội.

Một tuần sau thì tôi đỡ, rồi cùng các anh chị em thực hiện nhiệm vụ tại tổng đài tới sau ngày giải phóng, đến 1976 thì xuất ngũ.

Biền biệt tin tức về đồng đội mấy chục năm. Năm 2008, một sự ngẫu nhiên kỳ diệu giúp tôi kết nối lại với những người lính chung đơn vị năm xưa. Gặp nhau, ai cũng ứa nước mắt vì cảm xúc mừng tủi đan xen. Chúng tôi ôn lại một thời rất nhiều kỷ niệm, và khi nhắc tới trận ốm của “con bé gian tuổi”,  nhiều anh chị vẫn đùa hỏi “Sao ngày ấy em nhanh khỏi bệnh thế?”.

Câu hỏi cũng là câu trả lời rồi, thưa đồng đội thân yêu của tôi.

Tháng 7-2018

(*) Sau khi xuất ngũ, tác giả Vũ Thị Ngọc Bé công tác tại ngành thương nghiệp tỉnh Hà Nam Ninh. Hiện, bà tham gia các hoạt động văn hóa-xã hội tại Ninh Bình cũng như các hoạt động kết nối với đồng đội cũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm