Đón người Việt từ vùng dịch: Mình không làm thì ai làm?

“Nếu chúng tôi sợ thì ai sẽ đón đồng bào về?” 

Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) 12 giờ trưa, bảng tin hiện tên các chuyến bay sẽ hạ cánh, tất cả nhân viên đã ra sân đỗ máy bay để chuẩn bị đón các chuyến bay về từ vùng dịch. Tại đây, rất đông người mặc đồ bảo hộ kín mít tất bật chuẩn bị, dãy xe cách ly mang biển quân đội cũng đã sẵn sàng. 

Đứng trước những lo lắng và sợ hãi của “đàn em”, anh Đặng Đông Giang - nhân viên vận hành trang thiết bị mặt đất tại sân bay Vân Đồn - lại vô cùng bình thản: “Ngày đón chuyến bay đầu tiên từ Vũ Hán, có đồng nghiệp trẻ nói với tôi: “Em còn trẻ. Em chưa muốn chết đâu. Lần đầu tiên em làm”. Khi đó, anh Giang chỉ giải thích: “Đây cũng là lần đầu tiên anh làm. Nhưng mình không làm thì ai đón đồng bào trở về? Nếu đây là người nhà của em, em có đón không?”". 

Trách nhiệm của những bạn trẻ Sun Group chiến thắng được sợ hãi và lo lắng.

Trách nhiệm của những bạn trẻ Sun Group chiến thắng được sợ hãi và lo lắng.

Là người đầu tiên gõ cửa máy bay, cũng đồng nghĩa với việc là người đầu tiên đối mặt với khả năng lây nhiễm COVID-19, điều in đậm trong anh Giang sau khi đón rất nhiều chuyến bay về từ vùng dịch không phải là sự sợ hãi mà là hình ảnh những hành khách đặc biệt bước ra khỏi máy bay, đó là sự hân hoan và hạnh phúc khi được trở về đất mẹ… “Tôi hiểu đồng bào mình đã rất khó khăn khi phải sống giữa tâm dịch, đối diện với hiểm nguy bệnh tật. Nên khi họ vừa đặt chân về, chúng tôi - người Việt Nam đầu tiên họ gặp - đã luôn thể hiện sự hân hoan, vui tươi để chào đón và dành cho họ những tình cảm đẹp đẽ nhất”.

Không ngần ngại dịch bệnh, họ vẫn niềm nở đón đồng bào trở về quê hương.

Không ngần ngại dịch bệnh, họ vẫn niềm nở đón đồng bào trở về quê hương.

Với anh Giang, đây không còn là công việc phải làm mà là điều anh muốn làm, thôi thúc bởi tình yêu với đồng bào, tình thương với những đứa trẻ còn ẵm ngửa được cha mẹ gửi về quê tránh dịch. Khi đó, tình yêu thương đã chiến thắng mọi nỗi sợ hãi. 

Sự gắn kết vô hình của tình người

Tờ mờ sáng 16-3, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, liên tiếp ba chuyến bay chở 159 hành khách từ Anh, Pháp, Đức hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Trong đó có hai chuyến hạ cánh cách nhau chỉ 14 phút - khoảng thời gian gấp rút đến mức không đủ để bất cứ ai trong đội phục vụ có thể ngơi tay lấy nửa phút - anh Ngô Thanh Tùng, nhân viên phục vụ hành khách tại sân bay Vân Đồn, nhớ lại.

Mọi thủ tục đều được thực hiện đúng quy trình.

Mọi thủ tục đều được thực hiện đúng quy trình.

Đón các chuyến bay đặc biệt nên đội hậu cần mặt đất cũng thường xuyên có những tình huống nhớ đời. Những tình huống đột ngột thường xuyên diễn ra suốt hai tháng trời nay. Với đội hậu cần mặt đất, cứ nhận lệnh là sẵn sàng vào vị trí, bất kể đêm hôm, mờ sáng, gió mưa hay giá rét.

Anh Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng phòng An ninh hàng không, trải lòng: Trong chiến dịch này, anh được chứng kiến tận mắt những hình ảnh thực sự xúc động. “Có những bạn nữ nhân viên vừa vệ sinh khử khuẩn, thay đồ xong, đang ăn dở ổ bánh mì thì nghe tin có một bé sơ sinh không có cha mẹ về cùng cần chăm sóc. Cô ấy liền bỏ bánh mì xuống, mặc đồ bảo hộ, thay khẩu trang và găng tay mới, nhanh chóng đến hiện trường để chăm sóc và cho bé uống sữa. Tôi thấy đó là tấm gương, là sự hết mình vì công việc, vì đồng bào của người trẻ”.

Công tác xịt khuẩn được thực hiện thường xuyên.

Công tác khử khuẩn được thực hiện thường xuyên.

Hình ảnh hành khách vừa thực hiện quy trình hàng không, vừa trao ánh mắt thầm cám ơn những người đã ân cần đón tiếp mình không quản ngại nỗi lo dịch bệnh… khiến những con người nơi đây như được tiếp thêm động lực.

Mình không làm việc này thì ai làm?

Chính sự thôi thúc vì trách nhiệm với cộng đồng ấy đã giúp cho những anh chị em sân bay vượt qua được nhiều rào cản, đứng trên nỗi lo lắng của gia đình về nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Mọi công tác đón người từ vùng dịch được thực hiện quy củ, nghiêm ngặt.

Mọi công tác đón người từ vùng dịch được thực hiện quy củ, nghiêm ngặt.

Những chuyến bay từ tâm dịch Vũ Hán, Đức, Anh, Pháp, họ đã phải làm công tác tư tưởng với gia đình rất kỹ càng. “Mẹ tôi vẫn khuyên nên tránh đi nếu có thể. Tuy nhiên, tôi trả lời với mẹ rằng làm sao mà tránh được, tránh thì ai làm. Phải đối đầu thôi. Tôi nghĩ dịch còn có thể kéo dài và với kinh nghiệm mà mình có được tôi vẫn vững tin và làm tốt nhất có thể” - anh Mỹ chia sẻ. 

25 chuyến bay giải cứu từng đáp xuống sân bay Vân Đồn và không có bất kỳ chuyến nào giống nhau. Có khi lịch điều động chỉ đến trước… 1 tiếng. Có khi vừa đón xong một lượt khách, anh em thay đồ, sát khuẩn đi về nhà, bưng bát cơm lên lại nghe tin sắp đón chuyến mới. Hộc tốc đi xe từ nhà tới sân bay thì sếp lại thông báo lịch đã hoãn.

Những niềm vui của người Việt trở về từ vùng dịch.

Những niềm vui của người Việt trở về từ vùng dịch.

Tất cả lịch trình thất thường đó đòi hỏi đội ngũ nhân viên sân bay phải ứng phó linh hoạt và kịp thời. Tuy nhiên, đây là cơ hội để mọi người trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm, khả năng chịu áp lực để đối phó với những rủi ro thường gặp trong ngành hàng không. Vì thế nhiều nhân viên sẵn sàng tham gia, dù tâm lý ban đầu có thể e ngại nhưng làm việc và đúc rút được những kinh nghiệm quý giá khiến cho các cán bộ, nhân viên càng vững hơn về nghề.

Sun Group áp dụng quy trình đặc biệt đón khách từ vùng dịch tại sân bay Vân Đồn

Sân bay quốc tế Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư 7.463 tỉ đồng, là sân bay quốc tế đầu tiên do một tập đoàn tư nhân (Tập đoàn Sun Group) đầu tư tại Việt Nam. Đây là một trong ba sân bay đầu tiên trên cả nước được Chính phủ chọn để đón các chuyến bay về từ vùng dịch.

Từ đầu tháng 2 đến ngày 23-3, sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đón 24 chuyến bay về từ các vùng dịch COVID-19 trên thế giới với tổng số 3.526 người. Sân bay đã áp dụng một quy trình đón tiếp đặc biệt, ngăn ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm