Đôi tay tài hoa của người đàn ông Khmer

Trong tất cả lễ hội, tiệc cưới xin hay các cuộc vui trong phum sóc Khmer, chúng ta đều bắt gặp những âm thanh rộn ràng của dàn nhạc ngũ âm. Có một người đã gắn cả đời mình với nghề làm nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm, đó là Thạch Carino - một nghệ nhân ưu tú người dân tộc Khmer. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân tri thức dân gian và Nghệ thuật biểu diễn dân gian vào cuối năm 2015. Ông đã dành hơn 50 năm để giữ gìn, bảo tồn nền âm nhạc cũng như những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.

Tài hoa cha truyền con nối

Nghệ nhân Thạch Carino sinh ra và lớn lên tại ấp Chà Dư, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, Trà Vinh, trong một gia đình có truyền thống làm nhạc cụ Khmer. Cha ông là một thợ mộc lành nghề được nhiều người biết đến. Ông đến với nghề từ rất nhỏ. Theo ông kể: “Hồi mới sáu tuổi, tôi thường theo cha đi coi hát mỗi khi có đoàn nghệ thuật về biểu diễn trong phum sóc. Rồi âm nhạc Khmer ngấm vào trong tôi khi nào không biết. Về nhà thấy cha mày mò làm nhạc cụ, làm các loại mặt nạ hát tuồng, tôi thích quá nên “học nghề”. Chắc coi bộ có duyên với nghề này nên chỉ sau sáu tháng là tôi bắt đầu tự làm một mình. 18 tuổi tôi đã ra nghề”.

Năm 1975, ông Thạch Carino đã thành thạo nghề. Tuy nhiên, dấu ấn quan trọng là năm 1981 khi ông mạnh dạn mở hẳn một trại mộc chuyên làm nhạc cụ. Tâm huyết với nền âm nhạc truyền thống cộng với việc cần cù lao động sáng tạo, vừa học vừa làm, ông đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Khmer vô cùng độc đáo. Đến nay ông đã chế tác được hơn 65 dàn nhạc ngũ âm và trên hàng trăm trống các loại. Các sản phẩm của ông nổi tiếng xa gần về chất lượng, được nhiều địa phương đánh giá rất cao về độ chuẩn âm thanh, độ bền sử dụng, mẫu mã tinh xảo, đẹp mắt và giá cả hợp lý. Để tạo được điều đó là cả một quá trình lao động miệt mài. Thạch Carino kể muốn làm ra sản phẩm chất lượng, ông phải lựa chọn mua những loại gỗ tốt như cẩm lai, bình linh, sao… Có khi ông phải qua tận Campuchia để đặt mua. Công đoạn đục đẽo càng cần nhiều kỹ xảo, bởi chỉ cần đục sai một ly là hư hết cả tấm gỗ, nhất là đối với việc làm trống. Công đoạn bịt trống cũng phải xử lý khéo léo và đầy kỹ thuật mới tạo được âm thanh hay. Đối với trống lớn dùng cho chánh điện và trống Samphô dùng cho dàn nhạc ngũ âm thì ông dùng da trâu bịt trống, còn với trống Sadăm dùng trong điệu múa Sadăm thì ông phải dùng da bò để mặt trống mềm hơn, tăng độ ngân của âm thanh hơn”.

Nghệ nhân Thạch Carino từng tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi thấy được những dàn nhạc ngũ âm do chính mình làm ra mang lại niềm vui cho mọi nhà”. Và như thế Thạch Carino một đời lặng lẽ hiến dâng cho việc chế tác các nhạc cụ với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ, bảo tồn tinh hoa trong nền văn hóa Khmer.

Nghệ nhân Thạch Carino nói ông sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai có tâm huyết. Ảnh: NGÔ TUYỀN

Kỳ công thổi hồn cho mặt nạ

Không chỉ nổi danh với tay nghề chế tác nhạc cụ, nghệ nhân Thạch Carino còn rất thành công trong việc chế tác mặt nạ cho các nhân vật trong các đoàn hát, các đoàn ca múa, nhiều nhất là mặt nạ thể hiện tính cách, tâm lý nhân vật, các loài quỷ dữ, cầm thú gắn bó với loài người… Bởi trong nghệ thuật múa hát của dân tộc Khmer, một số loại hình như cha dam, rô băm, dù kê, khi biểu diễn các diễn viên phải đeo mặt nạ, đội mão.

Trao đổi kinh nghiệm làm mặt nạ mấy mươi năm, Thạch Carino cho biết: “Các công đoạn chế tác mặt nạ cũng rất công phu và đòi hỏi người làm phải có tay nghề khéo léo và tính sáng tạo, nhất là khâu tạo khuôn. Trước kia tôi làm khuôn bằng đất sét. Tôi lấy đất về phơi ráo, nhào thật dẻo rồi dùng tay nặn tạo khuôn, sau đó dùng que tre mỏng và các loại dao chạm, tạo chi tiết như mắt, mũi, tai, miệng… Tạo xong tôi đem khuôn đi phơi gió cho khuôn ráo và tiếp tục chỉnh sửa lại các chi tiết hoa văn rồi dùng tay thấm nước chà đều tạo độ láng cho khuôn. Làm cực nhưng mỗi khuôn chỉ sử dụng được một lần”. Sau này, ông cho hay ông đã nghiên cứu thay thế khuôn đất sét bằng khuôn xi măng nhằm sử dụng được nhiều lần. Tuy nhiên, làm khuôn bằng xi măng càng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nữa, nhất là khi đổ khuôn phải tạo một rãnh nhỏ theo chiều đứng từ trên xuống dưới ở cả hai mặt trước và sau của khuôn, để khi hoàn thành công đoạn đắp vải hoặc dán giấy thì dùng dao nhỏ cắt theo rãnh này mới lấy mão, mặt nạ ra được. Sau đó ông dùng vải thô cắt nhỏ rồi cho vào cối quết chung với trái thon-lop đã chiết xuất và đắp đều lên khuôn. Ông đắp dày khoảng 1,5 cm rồi tiến hành sơn, vẽ hoa văn. Thế mới thấy để làm ra một sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, nghệ nhân Thạch Carino đã phải học hỏi, tìm hiểu nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với sự kiên trì và tâm huyết đáng ngạc nhiên.

Khi hết thời gian tu trả hiếu, ông rời chùa với tâm huyết và ước mong lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Ông tiếp tục nghiên cứu và đã làm được các đầu rồng, tượng ápsara, bông sen… trang trí trong các chùa Khmer Trà Vinh.

Tình yêu và tâm huyết của một nghệ nhân như Thạch Carino đã góp phần quan trọng trong việc giữ hồn dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sẵn lòng truyền nghề miễn phí

“Thầy Thạch Carino là người hiền lành, tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa Khmer. Thầy sợ những đứa trẻ hôm nay sẽ không còn thương chùa, sợ những bản sắc dân tộc hôm nay hao mòn với thời gian. Chính vì vậy mà hơn 50 năm qua thầy luôn gắng lòng phát huy những giá trị mang bản sắc quê hương bằng cách sẵn sàng truyền nghề lại không chỉ cho bốn người con của thầy mà còn dạy miễn phí cho bất cứ những ai có lòng muốn học nghề. Đến nay thầy đã có hơn 20 truyền nhân” - ông Sơn Sane (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, Trà Vinh), một trong số các học trò của nghệ nhân Thạch Carino.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm