Doanh nghiệp phản ứng thủ tục công bố ATTP

Hội thảo ATTP từ quy định đến thực tiễn quản lý... diễn ra chiều 30-6

"Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đã phản ánh về thủ tục cấp giấy chứng nhận “Công bố phù hợp với ATTP”, bởi quy định cấp giấy chứng nhận này có quá nhiều, nội dung không rõ ràng, đặc biệt là các điều kiện để được chứng nhận là phù hợp rất “mơ hồ”. Những quy định này gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế" – TS Cung nhấn mạnh.

Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục khảo sát sau thông quan, Tổng Cục Hải quan, cho biết: “Tính đến chiều 29-6, số hồ sơ đang chờ cấp chứng nhận tại Cục ATTP, Bộ Y tế là hơn 9.000 hồ sơ. Số hồ sơ đang được xử lý tại đây là gần 5.000 hồ sơ. Tính đến thời điểm này, số hồ sơ tồn đọng, đang xem xét tại đây là gần 15.000 hồ sơ. Với số lượng này nên việc kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận là đương nhiên, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải kêu ca, phản ánh. Chúng tôi kiến nghị nên bãi bỏ qui định, bởi tính không hiệu quả và không bảo vệ người tiêu dùng…” – ông Bình nêu ý kiến.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng: “Thủ tục cấp Giấy chứng nhận phù hợp với ATTP chưa có cơ sở rõ ràng, thời gian thực hiện thủ tục quá lâu. Việc xem xét cấp giấy phép nặng tính chủ quan, nhiều thủ tục... Điều này cho thấy cơ quan quản lý đang trút gánh nặng tài chính lên doanh nghiệp, và cuối cùng người tiêu dùng là đối phải chịu chi phí do giá thành sản phẩm tăng lên".

Liên quan đến thủ tục “Công bố phù hợp quy định ATTP”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, nói: “Thủ tục hiện nay đang kéo dài vô lý. Việc lấy mẫu để kiểm tra đã rất lạc hậu, làm sao có thể dựa vào việc lấy mẫu để nói đó là thực phẩm an toàn, vì mẫu đó không thể đại diện được cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa. Cơ quan quản lý chỉ ngồi để kiểm tra giấy tờ, thậm chí còn không có đủ người để xuống lấy mẫu. Như vậy làm sao khẳng định đó là sản phẩm an toàn. Và như thế có phải là nói dối không. Không những cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cũng đã nhiều lần ra nghị quyết yêu cầu sửa đổi. Trong Nghị quyết số 19 đã yêu cầu bổ sung sửa đổi Nghị định này, Phó Thủ tướng và Bộ Y tế cũng đã yêu cầu rà soát sửa đổi, đơn giản hoá thủ tục, nhưng không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa sửa đổi. Thậm chí, trong Nghị định 38 sửa đổi thì điểm này vẫn chưa được rà soát...?” – bà Minh cho biết.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế lại cho rằng: “Việc Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm là vô cùng cần thiết. Bởi tất cả những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người phải thực hiện theo các quy chuẩn của Nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện công bố sản phẩm, tự công bố, tự đánh giá sản phẩm của mình có phù hợp với quy chuẩn không. Bước tiếp theo phải có tổ chức chứng nhận đánh giá, khi ấy cơ quan có thẩm quyền mới tiếp nhận hồ sơ và giải quyết…”.

 “Công bố phù hợp quy định ATTP” là quy định tại Nghị định 38, là một quy định không có trong Luật ATTP, nhưng lại đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến nhiều hơn so với quy định “công bố hợp quy” – một quy định chính thức của Luật ATTP.

Hơn nữa, thủ tục Công bố được đánh giá là thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí của các doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều lần cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đề nghị bãi bỏ quy định này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm