Điều dưỡng hát tiếp sức cho cô gái mù suy thận

Khoa Thận nhân tạo một chiều cuối tháng 11. Bệnh nhân Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh năm 1982, ngụ Đồng Nai) như thường lệ lại có mặt để chạy thận. Tiết trời trở lạnh khiến chị nằm co ro, ho sù sụ, thân hình nhỏ bé như càng co rút lại. Nghe tiếng gọi: “Dương ơi, uống thuốc chưa?”, chị xoay mình nở nụ cười thật tươi với điều dưỡng Võ Thị Thu Diễm và gật đầu. Cả hai như thấu hiểu nhau mà không cần nhiều lời.

Thu hết can đảm đi hát tiếp sức

Còn nhớ vài tháng trước, chị Diễm đã đăng ký thi hát trong chương trình truyền hình “Hát mãi ước mơ để tiếp sức cho cô gái nghèo có hoàn cảnh bất hạnh này.

Chị Dương bị mù từ nhỏ, sống với mẹ và em trai nhưng vẫn cố gắng đi bán vé số đỡ đần gia đình. Kể từ khi phát bệnh suy thận, 14 năm nay chị đã tự bươn chải từ việc bán vé số đến làm nghề mát xa dạo để có tiền chạy thận.

Năm 2014, người em trai khỏe mạnh của chị Dương bất ngờ gặp tai nạn giao thông nên trở thành người tàn phế. Do đã chạy thận nhiều năm, cơ thể chị Dương dần suy kiệt, chị mắc thêm bệnh suy gan, suy tim. Có lần chị còn bị té gãy xương đùi, phải ngồi xe lăn. Mặc dù có chỉ định phẫu thuật chân nhưng chị Dương chấp nhận tàn phế để dành tiền cho mẹ và em trai.

“Tôi vào bệnh viện làm việc từ năm 2006 đã gặp Dương. Dương gây ấn tượng cho tôi là một cô gái vô cùng lạc quan, nghị lực. Mắc bệnh thận đã vất vả rồi, Dương còn thêm bị mù nữa. Thấy Dương gặp nhiều khó khăn nên tôi rất muốn làm việc gì đó cho em” - chị Diễm tâm tình.

Nhờ lần tình cờ một người trong khoa thận kể về chương trình “Hát mãi ước mơ”, chị Diễm thu hết can đảm đăng ký thi với mong muốn có thể giúp cho Dương trang trải phần nào cuộc sống khó khăn. “Trước nay tôi chỉ toàn hát karaoke chứ chưa từng đứng trên sân khấu bao giờ, vòng casting tôi run lắm nhưng may mắn sao tôi cũng vượt qua được” - chị Diễm kể. Đến ngày thi chính thức, chị Diễm chưa hết hồi hộp nhưng vẫn cố gắng hoàn thành tiết mục, còn bị giám khảo Trấn Thành trêu là “như đi hiến máu”. Chị Diễm tâm sự: “Nhiều hoàn cảnh khó khăn ở khoa tôi muốn giúp lắm nhưng tiếc là chương trình chỉ cho người tham gia chọn một hoàn cảnh để giúp”.

Điều dưỡng Võ Thị Thu Diễm đi thi hát tiếp sức cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thùy Dương. Ảnh: TD

BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy, thăm hỏi một bệnh nhân lâu năm. Ảnh: HL

Di nguyện tặng toàn bộ tiền phúng viếng

“Bệnh nhân ở khoa khác vào bệnh viện chữa bệnh còn có ngày ra viện, còn bệnh nhân ở đây coi như gắn bó cả đời nên thân thiết với chúng tôi như người nhà. Nhiều người mới vào có cuộc sống còn khá giả, sau nhiều năm dần khánh kiệt” - BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy, cho hay.

Cũng theo BS Tuấn, người chạy thận lâu nhất ở bệnh viện nay đã 27 năm. Khoa Thận nhân tạo không khác gì ngôi nhà thứ hai của bệnh nhân vì thời gian chạy thận còn nhiều hơn ở nhà.

Mỗi ngày khoa có 190 ca chạy thận định kỳ và 40-70 ca cấp cứu cần phải chạy thận. Khoa Thận nhân tạo cho bệnh nhân chạy thận không kể thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết. Không chỉ người bệnh mà y, bác sĩ nhiều năm cũng đón giao thừa và những ngày Tết ở khoa. Để có một cái Tết ấm áp, BS Tuấn đã cùng đồng nghiệp vận động mạnh thường quân trao quà cho các bệnh nhân. Những bệnh nhân điều trị lâu năm tại khoa không may qua đời, nếu đi lại thuận tiện, trưởng khoa là BS Tuấn hoặc các bác sĩ điều trị đều cố gắng đi thăm viếng họ.

BS Tuấn nhớ mãi trường hợp năm ngoái, một người đàn ông chạy thận lâu năm tại khoa, sống ở quận 2
(TP.HCM) mất đột ngột do tai nạn giao thông. Nghe tin dữ, BS Tuấn đã đến nhà người đàn ông này để chia buồn cùng gia đình ông. Vị bác sĩ cảm thấy rất bất ngờ khi được biết toàn bộ tiền phúng điếu trong đám tang sẽ dành cho bệnh nhân khoa Thận nhân tạo theo di nguyện của người mất.

Khoản quỹ này cùng với đóng góp của các mạnh thường quân luôn được khoa cân nhắc để trao cho bệnh nhân gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc cần hỗ trợ chi phí sử dụng kỹ thuật cao.

Đến với khoa như trở về nhà mình

Anh Phạm Quốc Vũ (40 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) chạy thận hơn 10 năm ở khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy. Bản thân anh trước khi bị suy thận làm nghề hớt tóc, trang trải cuộc sống tạm ổn cho vợ và một đứa con. Giờ đây sức khỏe yếu, anh làm không nổi nên đã sang nhượng lại tiệm hớt tóc, chỉ còn nương nhờ vào lương công nhân của vợ. Dù được bảo hiểm y tế chi trả tiền chạy thận nhưng các chi phí khác như tiền dụng cụ y tế mỗi tháng cũng làm anh mất hơn 3 triệu đồng.

Biết hoàn cảnh khó khăn của anh Vũ, khoa Thận nhân tạo đã nhiều lần xin hỗ trợ chi phí thuốc men, máy móc và vận động nhà hảo tâm trao quà cho anh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm