Điều chỉnh trợ giúp xã hội: Tăng khoảng 6.000 tỉ đồng/năm

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó có nhiều điểm mới so với Nghị định 136/2013 về chính sách này.
Tăng mức chuẩn trợ cấp từ 1-7
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện chính sách trợ giúp xã hội phát sinh một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung. Cụ thể ở đây là chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng còn thấp, mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với chính sách khác. 
Giai đoạn 2013-2019, tiền lương và trợ cấp người có công với cách mạng đã được điều chỉnh tăng năm lần, trong khi đó mức chuẩn trợ cấp xã hội không được điều chỉnh tăng.
Cạnh đó, mức độ bao phủ chính sách thấp, còn một bộ phận dân cư khó khăn chưa được hưởng trợ cấp như người nghèo kinh niên, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo. Người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y phải điều trị bệnh dài ngày như bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, tim bẩm sinh…
“Ngoài ra, chính sách trợ cấp thường xuyên đối với người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, bảo hiểm xã hội còn cào bằng, chưa phân biệt giữa người nghèo và người có mức sống cao, khá giả, tuổi thọ trung bình của người dân tộc thiểu số thường thấp hơn tuổi thọ trung bình của cả nước…” - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất từ ngày 1-7-2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng và tăng thêm 120.000 đối tượng trợ giúp xã hội. Ảnh: VGP

Trên cơ sở đó, nghị định được sửa theo hướng tăng trợ cấp xã hội. Cụ thể, từ ngày 1-7-2021, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng (quy định trước đây là 270.000 đồng).
Với 3,13 triệu đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc điều chỉnh trên sẽ làm tăng chi phí khoảng 5.200 tỉ đồng/năm. “Tuy nhiên, mức tăng này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta…” - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.
Đến cuối năm 2020, cả nước đã có 3.041.318 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ kinh phí chăm sóc, 48.423 đối tượng đang nuôi dưỡng tập trung trong 432 cơ sở bảo trợ xã hội, chiếm khoảng 3% dân số. Tổng kinh phí thực hiện trợ giúp thường xuyên là 17.563 tỉ đồng. 
Tăng 120.000 người hưởng trợ cấp xã hội
Cạnh đó, nghị định cũng mở rộng ba nhóm đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội với 120.000 người bao gồm: 
Thứ nhất, trẻ em dưới ba tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo sống tại xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã khó khăn.
Thứ hai, người nhiễm HIV, người mắc bệnh mạn tính thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập hằng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước.
Thứ ba, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến đủ 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. 
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nếu quy định trên được chấp thuận thì kinh phí chi tăng thêm năm 2021 khoảng 800 tỉ đồng. “Việc thực hiện chính sách cho nhóm đối tượng này thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đến người dân sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, cũng là nhóm người nghèo, khó khăn nhất trong xã hội. Song song đó, giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai, tăng cường chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…” - Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Đối với hỗ trợ tiền mai táng phí, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất tăng mức tối đa từ 8,1 triệu đồng lên 18 triệu đồng. “Mức quy định hỗ trợ chi phí mai táng đối với đối tượng không xác định được nơi cư trú quy định tại Nghị định 136/2013 không quá 30 lần mức chuẩn trợ cấp xã hội, tương đương 8,1 triệu đồng, quá thấp không đủ tiền mua áo quan. 
Với mức quy định tối thiểu 50 lần mức chuẩn trợ cấp xã hội theo dự thảo nghị định, tương đương 18 triệu đồng, bảo đảm chi phí tối thiểu mua áo quan và các chi phí khác để khâm liệm đối tượng…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng nâng mức hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn mà mất nhà ở, nhà sập, trôi, cháy…•

Chưa bổ sung trẻ em dưới 16 tuổi có cha mẹ không còn khả năng lao động

Góp ý cho dự thảo nghị định trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi thuộc trường hợp có cha hoặc mẹ không còn khả năng lao động hoặc trường hợp cha và mẹ không có công việc, nguồn thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tiêu chí xác định đối tượng khó, đối tượng có sự thay đổi nhanh về điều kiện xác định. Mặt khác, các chương trình từ thiện, nhân đạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ giải quyết tốt cho nhóm đối tượng này. Do đó, bộ này đề nghị Thủ tướng không bổ sung nhóm đối tượng trên vào dự thảo nghị định để hưởng chính sách. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm