Dịch tả heo châu Phi tấn công các tỉnh miền Tây

Ngày 7-6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Phạm Văn Đông, cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT và Cục Thú y đã trực tiếp kiểm tra tình hình phòng chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP) và làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống DTHCP trên địa bàn tỉnh hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Tiền Giang xuất hiện 34 ổ dịch tả heo châu Phi

Tại Tiền Giang, ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, đến 17h ngày 6-6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 34 trường hợp nghi nhiễm bệnh tại 16 xã của 5 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Chợ Gạo và Châu Thành. Trong đó, gửi 26 mẫu đến Chi cục Thú y vùng VI, kết quả 14 trường hợp dương tính với dịch tả heo, một trường hợp âm tính và 11 trường hợp đang đợi kết quả.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 6, ngành chức năng của tỉnh đã cho tiêu hủy toàn bộ 1.310 con heo nhiễm bệnh, trọng lượng 48.354 kg.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình DTHCP trên địa bàn xã Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Thời gian tới để tăng cường công tác phòng chống dịch tả heo, UBND tỉnh Tiền Giang đã duyệt kinh phí 12,3 tỉ đồng phòng chống dịch bệnh, trong đó kinh phí phòng chống dịch hai đợt là 6,3 tỉ đồng. Đồng thời tỉnh cũng cung cấp các vật tư phòng chống dịch về các địa phương như bảo hộ chống dịch, kẹp điện tiêu hủy heo, test nhanh,.. 10.000 lít thuốc sát trùng. Hiện tại các huyện có dịch đã ra quân toàn huyện thực hiện tiêu độc khử trùng, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 8-6. Tiếp tục thực hiện kiểm tra 24/24h tại các chốt kiểm dịch.

Bến Tre chưa phát hiện dịch tả heo châu Phi

Tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Buội – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, tổng đàn heo của tỉnh Bến Tre hiện có trên 536.000 con, với 21.652 hộ chăn nuôi tập trung nhiều nhất ở ba huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khẳng định hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi.  

Tuy nhiên hiện nay xe từ các tỉnh vào Bến Tre để mua heo rất nhiều như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng… Trong khi các tỉnh này đã và đang có dịch nên nguy cơ mầm bệnh được mang vào Bến Tre qua các phương tiện vận chuyển này là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn làm việc tại tỉnh Bến Tre. 

Mặt khác, đang là thời điểm giao mùa (bắt đầu vào mùa mưa) các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy, đường bộ đan xen, khó kiểm soát. Vì vậy mầm bệnh dễ phát tán và lây lan sang các tỉnh chưa có dịch. Do đó, cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhiễm vào Bến Tre trong thời gian tới là rất cao.

Tập trung đối phó dịch bệnh

Ông Nguyễn Hữu Lập- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, lãnh đạo tỉnh Bến Tre hiện rất lo lắng và quyết tâm trong phòng chống dịch phòng thủ, phòng ngừa và quyết liệt chủ động, không chủ quan, không lơ là, quyết tâm làm tốt công tác phòng ngừa trong thời gian tới. 

Cán bộ ngành chăn nuôi và thú y phun hóa chất xe chở heo tại Chốt kiểm dịch cầu Rạch Miễu (Bến Tre).

Qua khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp với các địa phương, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng, không lơ là, chủ quan tại các chốt kiểm dịch. “Chủ động trong mọi tình huống, có xảy ra dịch phải thông báo ngay, không giấu dịch, không tiêu thụ heo bệnh. Khi phát hiện dịch bệnh phải tiêu hủy, chôn lấp tại chỗ hạn chế dịch bệnh lây lan. Đồng thời khoanh vùng có DTHCP cùng có biện pháp ngăn chặn", Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm