‘Dịch bệnh ai cũng chật vật, nhận tiền vay vốn tôi vui như sống lại’

“Tôi buôn bán phế liệu cũ, còn chồng làm lái xe du lịch, cuộc sống tạm ổn nên không nghĩ đến lúc phải vay tiền làm ăn. Dịch bệnh bùng phát đã đảo lộn mọi thứ, chồng tôi mất việc mấy tháng liền nên không có thu nhập, tiền tiết kiệm cũng chi tiêu hết. Nguyện vọng của tôi là được vay 50 triệu đồng để có vốn làm ăn trong lúc chờ chồng có việc”- chị Nguyễn Thị Như Ngọc (36 tuổi, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay.

Người dân phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn đến nhận tiền vay vốn tại UBND phường. Ảnh: T.AN

“Vay bên ngoài chịu sao nổi tiền lãi”

Không chỉ chị Ngọc mà rất nhiều người dân phường Hòa Quý đã được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp từ NHCSXH TP Đà Nẵng. Trò chuyện với PV, anh Huỳnh Nhỏ cho biết “nồi cơm” của gia đình anh phụ thuộc vào cửa hàng kinh doanh, sửa chữa xe máy cũ. Trong đợt dịch vừa qua, cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, mất thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng khiến anh rất mệt mỏi.

“Dịch bệnh khiến ai cũng chật vật, nhiều lúc mệt mỏi nhưng vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng. Đợt này tôi vay 100 triệu đồng để mua thêm một số máy móc, phụ tùng sửa chữa xe máy bổ sung cho cửa hàng. Tôi thấy thủ tục vay vốn cũng nhanh thôi chứ không gặp khó khăn gì cả”- anh Nhỏ nói.

Đến hoàn tất thủ tục vay vốn sinh viên cho con đi học, bà Lê Thị Bích Liễu phấn khởi cho biết đây là lần thứ hai bà vay vốn từ chương trình này.

“Tôi bán tạp hóa, chồng làm thợ nề nên nuôi bốn đứa con ăn học có đôi chút khó khăn. Cô con gái đầu đã ra trường và đi làm, hai đứa kế thì tôi xoay xở được học phí, đến cô út thì dịch bệnh nên rất vất vả. Bà con lao động được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn thì mừng lắm! Mình vay ở đây thì có thể trả từ từ, chứ vay bên ngoài chịu sao nổi tiền lãi”- bà Liễu hồ hởi.

Cần thêm vốn để hỗ trợ người lao động

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Ngũ Hành Sơn), nhu cầu vay vốn của người dân rất bức thiết sau dịch nên khi vốn phân bổ về quận thì ngân hàng giải ngân ngay, không để vốn tồn đọng. Mỗi tháng bình quân phòng giao dịch giải ngân cho khoảng 50-60 hộ với mức vay trung bình từ 50-100 triệu đồng.

“Chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên người dân cũng cần vốn để kinh doanh, buôn bán, cải thiện đời sống. Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND phường, tổ dân phố rà soát khu dân cư để kịp thời hỗ trợ bà con có nhu cầu vay vốn, không để sót trường hợp nào, nhất là các đối tượng hộ nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”- bà Nguyệt Ánh cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đến thăm điểm giao dịch tại phường Hòa Quý. Ảnh: T.AN

Ông Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP) cho biết, phường Hòa Quý đang trong quá trình đô thị hóa và là địa phương khó khăn nhất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Bởi vậy, ông đề nghị ngân hàng chính sách cần tiếp tục nắm bắt nhu cầu, kịp thời hỗ trợ người dân vay vốn để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống sau dịch.

“Hiện trung ương đã bổ sung thêm cho Đà Nẵng 50 tỉ đồng, còn 50 tỉ đồng của TP đối ứng thì phải chờ HĐND thông qua tại phiên họp tới đây. Số tiền này cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu của người dân hiện nay. Tôi đề nghị ngân hàng tiếp tục đề xuất bổ sung thêm nguồn vốn qua năm 2022. Sau dịch bà con rất khó khăn, rất cần vốn để làm ăn, có sinh kế, giải quyết được vấn đề việc làm sẽ giảm áp lực cho TP về an sinh xã hội”- ông Minh lưu ý.

Theo NHCSXH TP Đà Nẵng, 10 tháng của năm 2021 (tính đến 15-11), tổng nguồn vốn là 3.310 tỉ đồng, tăng 444 tỉ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn địa phương là 1.465,4 tỉ đồng, chiếm 44%. Doanh số cho vay đạt 1.119 tỉ đồng với 22.876 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 686 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm