Đi tù về phải tự chứng minh mình

Để hòa nhập tốt với cộng đồng, tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn quận 8 (2012-2014) nhiều ý kiến, biện pháp đã được nhắc đến nhưng tựu trung phải xuất phát từ ý chí của chính những người trong cuộc.

Anh NVT sau 12 năm thụ án vì tội giết người trở về với cộng đồng đã đúng một năm vẫn chưa có được việc làm ổn định. Anh kể hơn 12 năm trước, khi ngồi nhậu ven đường, anh bị một nhóm người xông đến đánh. “Trong lúc xô đẩy, tôi lỡ tay đánh chết người ta. Tôi không biết họ là ai, do bị đánh nên phản ứng lại, không dè... Bây giờ tôi không nghĩ gì khác ngoài chuyện lo cho mấy đứa nhỏ. Người ta nói “con gái nhờ đức cha”. Hồi xưa mình lỡ làm sai, bây giờ phải ráng sống để đức lại cho mấy đứa con” - anh T., người cha của bốn đứa con gái, chia sẻ.

Từ ngày trở về, anh T. luôn cố gắng chứng minh rằng anh đã sửa đổi, trở thành một người tốt. “Ở xóm có cháy nhà, tôi xông vào phụ chữa lửa. Có người ngất xỉu, tôi ẵm đi cấp cứu. Mọi người có thấy thiện chí của mình người ta mới tin, mới chấp nhận mình được”.

Hiện anh T. đang làm thợ hồ nhưng bữa được bữa không để nuôi gia đình sáu miệng ăn. Vợ anh lại đang mang thai đứa thứ năm, sắp tới sẽ càng khó khăn hơn. “Có ngày không đi làm, nồi cơm còn không nấu nổi cho tụi nhỏ ăn” - anh T. ngậm ngùi nói. Vất vả là thế nhưng anh T. không bao giờ có ý nghĩ phạm tội một lần nữa vì “bị một lần là sợ tới già” như lời anh nói.

Đồng quan điểm với anh T., anh LHM (phạm tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế) cho biết: “Khi trở về, nếu muốn hòa nhập tốt vào cộng đồng, mình phải chứng minh được là một người tốt, phải tạo được niềm tin. Lúc đó cộng đồng sẽ dang tay đón nhận, mọi người sẽ giúp đỡ mình. Còn nếu cứ mặc cảm, không có thiện chí, tạo sự xa cách thì ai mà tiếp cận được với mình”.

Địa bàn quận 8 là địa bàn phức tạp về trật tự xã hội, có nhiều khu vực trọng điểm về tội phạm ma túy, đa phần người dân là lao động nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Mặt khác, một số người dân lao động tự do, nghề nghiệp không ổn định, trình độ dân trí thấp, không chịu học tập, tuân thủ pháp luật nên một số trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù được tha về sẽ chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực, khó hòa nhập cùng xã hội và có nguy cơ tái phạm cao nếu chính quyền thiếu sự quan tâm, giúp đỡ.

Điều đáng mừng là những ý nghĩ tự phấn đấu, tự chứng minh đã được nhiều người trong cuộc nhận ra và thực hiện. Anh NVL (cai nghiện hồi gia năm 2010) cho biết đối với những người phạm tội trở về, việc quan trọng nhất là phải làm sao cho họ tránh được con đường phạm tội bởi những lôi kéo, rủ rê. Chính sự cô đơn, kỳ thị sẽ góp phần đẩy họ tiếp tục giẫm vào lầm lỗi. “Tốt nhất là giúp họ có nghề để nuôi sống bản thân, gia đình. Khi đã sống được thì họ sẽ không phạm pháp nữa. Cốt yếu là chính bản thân người phạm tội trở về phải có ý chí, biết nghĩ lạc quan, không vì những ánh mắt nghi kỵ, những sự mặc cảm mà có lòng thù hằn, bực tức hay xa lánh mọi người để rồi không giữ được mình, tiếp tục phạm lỗi”.

Tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Lịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 8, cũng cho rằng việc tiếp cận với những người đi tù về là hết sức khó khăn, cần phải có nhiều biện pháp và nhất là người chấp hành xong án tù phải có ý chí vươn lên, vượt qua mặc cảm. Có như vậy thì cộng đồng sẽ sẵn sàng dang tay đón nhận.

MAI THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm