Dì Nâu 30 năm phơi cơm

62 tuổi, con cái trong nhà đã lớn, đã tự lo được cho bản thân mình, dì cũng không còn vướng bận gì nhưng mỗi ngày dì đều làm công việc này.

Dì Nâu quê gốc An Giang, lên Sài Gòn mưu sinh từ mấy chục năm trước. Nhà nghèo lại không được học hành nhiều nên dì phải một mình bươn chải kiếm sống. Dì giúp việc cho nhiều gia đình ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Ngoài giờ làm giúp việc, dì còn xin phụ bưng bê, rửa chén cho nhiều hàng quán. Dì kể những lần dọn bàn, thấy nhiều người phung phí thức ăn, dĩa cơm chiên chỉ ăn được mấy muỗng rồi bỏ đi nên dì tiếc. Nhiều lần như vậy, dì nảy ra ý định mang phơi khô những hạt cơm đó, bán lại cho những người nuôi cá sấu, cho động vật ăn, vừa kiếm thêm thu nhập lại không phí của. “Nếu người không ăn được nữa thì còn nhiều con vật khác có thể ăn. Mình hoàn toàn có thể cho chúng ăn sau khi đã làm sạch và phơi khô” - dì Nâu nói.

Những ngày không mua được cơm thừa để phơi, dì Nâu lại tranh thủ giặt bao nylon, đem phơi khô rồi mang đi bán lại. Ảnh: THANH TUYỀN

Kể từ đó mỗi ngày dì vẫn đi xin hoặc mua lại cơm thừa để mang về phơi rồi đem bán. Một mình dì phải rải cơm rồi mang ra phơi nắng, bảo quản thật cẩn thận để cơm không bị nổi mốc. Cực nhất là đến mùa mưa, nếu không canh kỹ thì cơm lại hư mà mang đi bán lại không được bao nhiêu, như vậy càng phí.

“Tôi chỉ nghĩ là làm sao để không phung phí hạt gạo nào cả, dù thực sự lúc đó tiền bạc đè nặng trong cái đầu của tôi lắm. Nhưng càng làm càng thấy vui vui nên cứ gắn bó mãi thôi. Làm lâu nên coi như thành cái nghề chứ nói thật thu nhập từ công việc này không có nhiều. Tới giờ thì không có bỏ được, cũng hơn 30 năm rồi chứ ít gì” - dì Nâu cười giòn tan.

Giờ đây đã 62 tuổi, không chỉ dừng lại ở nghề phơi cơm, dì còn đi nhặt bao nylon ở chợ về, chiều nào cũng ngồi giặt sạch rồi mang đi phơi, cột lại từng bó rồi đi bán lại. Dì nhặt bao nylon về vì thấy họ xả rác ra ngoài đường, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh...

“Nhiều người ở chợ thấy tôi đi nhặt bao như vậy thì bảo tôi tham, có mấy cái bao mà cũng đem về bán lại. Tôi chỉ nghĩ thứ gì còn tận dụng để dùng lại được thì cứ dùng thôi” - dì nói rồi cười với vẻ sảng khoái.

Với dì, được làm công việc mình thích đã là niềm vui, chẳng có gì phải xấu hổ cả!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm