Đi làm chứng minh chụp ảnh tóc ngắn, nhận lại tóc dài

Câu chuyện được Furin, một người chuyển giới thuộc tổ chức Unigen, chuyên hỗ trợ cộng đồng người LGBT (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới) chia sẻ tại hội thảo Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức tại TP.HCM ngày 2-11.

Theo Furin, khi được khảo sát online về các trở ngại khi là người chuyển giới, một bạn trẻ là người chuyển giới nam sinh sống ở Tiền Giang đã chia sẻ câu chuyện đi làm chứng minh nhân dân bị đối xử kỳ thị. “Lúc chụp ảnh làm chứng minh, bạn này cho biết rất ưng ý với mái tóc mái ngắn lệch vẻ tomboy của mình. Nhưng đến khi nhận chứng minh thì bạn vô cùng bất ngờ vì ảnh bị photoshop thành mái tóc dài. Khi bạn này thắc mắc thì được cán bộ trả lời có phần khiếm nhã, đại ý phải có bộ phận như con trai thì ảnh mới không bị sửa” - Furin kể.  

Một người chuyển giới nữ chia sẻ tại chương trình. Ảnh: HL

Câu chuyện tiếp theo của một bạn chuyển giới nữ, vì không thích cái tên nam tính nên bạn đã được gia đình đưa đến cơ quan hành chính nộp giấy tờ đầy đủ để đổi lại tên. Tuy nhiên, nguyện vọng này không được cán bộ thụ lý hồ sơ chấp nhận.

Furin hy vọng Luật chuyển đổi giới tính được thông qua để tạo hành lang pháp lý xử lý những hành vi phân biệt kỳ thị đối với người chuyển giới đang diễn ra, đặc biệt ở cơ quan hành chính nhà nước. 

Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia về pháp luật, y tế và người chuyển giới đã bày tỏ quan điểm cần thiết ban hành Luật chuyển đổi giới tính để họ có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.

Một người chuyển giới nữ mong muốn Luật chuyển đổi giới tính nhanh chóng thông qua. Ảnh: HL

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nhìn nhận do chưa công nhận giới tính thứ ba nên không ít người chuyển giới vì quá mong được là chính mình phải đối diện nhiều rủi ro sức khỏe khi tìm đường ra nước ngoài phẫu thuật chui. Ngoài ra, khá nhiều trong số họ phải sử dụng hormone không được kiểm soát và đăng ký lưu hành.

“Đó là chưa kể khi sang nước ngoài phẫu thuật về có biến chứng, người chuyển giới tìm đến các cơ sở khám bệnh ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực này nên thăm khám không hiệu quả” - bà Thủy nói.

Do đó, Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt một mốc quan trọng đối với người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính. Hiện dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết dự thảo Luật chuyển đổi giới tính có nhiều điều bảo vệ quyền lợi người chuyển giới. Ảnh: HL

Đồng thời dự thảo Luật chuyển đổi giới tính cũng đưa vào các hành vi bị nghiêm cấm nhằm đảm bảo quyền lợi của người chuyển giới gồm: Các hành vi kỳ thị, xúc phạm nhân phẩm, bạo lực đối với người chuyển đổi giới tính; cấm hành vi cản trở, gây khó khăn đối với việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; cấm lợi dụng người chuyển đổi giới tính để mua bán người, bóc lột sức lao động; bắt buộc người chuyển đổi giới tính phải nghỉ việc, thôi học...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, thuộc SCDI, cho rằng dự thảo Luật chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng còn chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới. Cụ thể, tại điểm 5 Điều 2 dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”.

Như vậy, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục. Quy định này sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo luật do không có đủ tiền để chi trả, hoặc không đáp ứng với hormone, phẫu thuật, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong.

 45% người chuyển giới nữ bị từ chối việc làm

Theo SCDI, tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000-500.000 người chuyển giới (nam và nữ). Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP.HCM (năm 2015, CARMAH và ĐH Pittsburg) cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có các việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục, 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.