Dì Hai Sài Gòn: Tiếc 3 hào xe lam, bỏ bộn tiền giúp người dưng

Sống tại quận 4 từ thời chiến tranh Đông Dương, khi các du đãng tề tựu tại đây, một Sài Gòn khác biệt, dì Hai có sự mạnh mẽ khó tin để bảo toàn đời sống đàng hoàng của mình. Các em lần lượt ra đời, đời sống bức bách, dì Hai chọn cách để vào đời. “Năm 16 tuổi, tao nói ổng (cha của dì Hai) xin cho tao vô làm xưởng dệt. ổng nói mày có chút ét, tóc dài thượt, ai cho làm?”. Dì Hai đi cắt tóc như con trai, về bảo: “Ba dắt con đi đi”. Ông cụ thở dài mà đưa dì Hai xin vào xưởng dệt Tái Thành (tiền thân xưởng Thành Công sau năm 1975). Dì Hai làm ở đó một mạch cho đến khi về hưu cách đây hơn 10 năm.

Thảng hoặc lắm trong các câu chuyện vu vơ, dì Hai có nhắc đến “hồi xưa có ông quản đốc trong xưởng, ổng cũng thích dì Hai lắm”, lúc đó giọng dì Hai mềm, trong veo. Nhưng dì Hai không có gia đình, sinh kế và sự lo lắng cho cha mẹ và các em đã cuốn dì Hai vào công việc. “Hễ rảnh chút là phải kiếm gì đó làm, khi không làm xưởng, dì Hai quẩy cái gánh, mua mít, cóc, xoài, xẻ ra vô bịch, có khi nấu thêm nồi chè, gánh lên bán ngay rạp Cathay hay vòng vòng qua mấy khu Nguyễn Huệ, Hàm Nghi bán cho lính hay mấy cô làm văn phòng, bán được lắm”. Suốt 60 năm đi làm, cho tới bây giờ dì Hai chỉ ngủ mỗi ngày bốn tiếng. “Trời thương, vậy chớ tỉnh táo, khỏe ru, ngủ nhiều không được”. Một đời đi làm, tích cóp, dành dụm “có ai tự nhiên mà có, mình phải tiết kiệm”, dì Hai lo được cho cha mẹ, cho các em, cho đến tận hôm nay.

Dì Hai Sài Gòn hay lam hay làm, tiết kiệm mà không kiệt xỉ. Ảnh: PHAN THÀNH

Tiết kiệm chứ không kiệt xỉ, dì Hai như Sài Gòn vậy. Dì Hai có thể dậy sớm một tiếng, đi bộ 5 km mua đậu nấu chè trước khi đến xưởng làm để tiết kiệm 3 hào xe lam nhưng khi nghe một người tu hành khó khăn mắc bệnh nan y, dì Hai sẵn sàng bỏ số tiền lớn để giúp ông chữa trị: “Mình cần chi thì chi chứ, tiết kiệm là để phòng khi ấy”. Hiểu biết về Phật giáo của dì Hai chỉ gói gọn trong kinh Dược Sư đọc khi bệnh và Bát Nhã Tâm Mật Kinh đọc khi cúng cháo cho cô hồn nhưng dì Hai sẵn sàng chung tay các chương trình thiện nguyện và hài lòng với đời sống của mình.

Dì Hai có thể bận bộ đồ tám năm nhưng sẽ dành cả tuần nghỉ trưa để sửa soạn đồ tươm tất cho một chương trình từ thiện. Dì Hai không nói nhiều về môi trường nhưng có bao nhiêu bịch nylon, dì Hai đều giặt sạch, xếp gọn gàng từng bó để “cho người khác dùng, bỏ nó phí mà ô nhiễm”. Các nguyên tắc sống không bó buộc, nghĩ cho người khác nhưng không nói nhiều, nhận phần thua thiệt nhưng không kể công, dì Hai cũng như Sài Gòn.

Có lần dì Hai đi ngân hàng gửi tiền, cô thu ngân thấy bà cụ ăn mặc xuề xòa, cứ hỏi: “Bà làm gì, bà gửi tiền giùm cho ai, bà có gửi tiền thiệt không?”. Dì Hai nạt: “Tiền tao chứ tiền ai, bộ ai khùng mà đưa tiền cho tao gửi!”, rồi cười cái khì. Cô thu ngân cũng cười theo. Hồi trước năm 1975, xóm nhà dì Hai nổi tiếng với ma túy. Dì Hai đứng trước nhà, có hai anh tre trẻ xăm trổ rồ xe vào ngó nghiêng, định mở miệng hỏi, dì Hai đã chặn trước: “Ê, tao không bán xì ke nghen mậy. Đi chỗ khác chơi, đừng làm phiền bà con trong này nghe” - dì Hai kể. Sống và làm, cứ thấy trái ý, gai mắt là dì hai quạt, bất kể là ai. Để có sự quạt ấy là một chuỗi các quan sát tinh tế, chi tiết, kỹ lưỡng… Người chi tiết, kỹ lưỡng mà vẫn hào sảng, như Sài Gòn.

Thật tuyệt nếu một sáng nào bạn tự nghĩ mình còn đang được hít thở chung bầu không khí với những con người như vậy. Khi tôi đưa máy lên chụp dì Hai, bà nạt: “Chụp gì vậy mậy?”. Tôi nói: “Con chụp Sài Gòn”. Thật vậy, bạn cứ chụp thử ai đó bên cạnh đi, mỗi người có khi chứa đựng cả lịch sử hình thành và căn tính nơi bạn đang sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm