Đi bệnh viện giờ khỏi lo vì đã có người tiếp sức!

6 giờ 30 phút, người đến khám chữa bệnh tại BV Chợ Rẫy (quận 5, TP.HCM) rất đông, nhưng tuyệt nhiên không có cảnh xô đẩy, chen lấn. Người mới tới đây lần đầu cũng không phải loay hoay chạy ngược chạy xuôi hỏi han, tìm phòng khám.

“Mừng vì được việc mà không mất tiền!”

Mỗi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, Nguyễn Thảo Vy, sinh viên năm nhất trường Đại học Sư Phạm TP.HCM đều túc trực tại quầy tiếp nhận bệnh của BV Chợ Rẫy để hướng dẫn người bệnh ghi thông tin cá nhân, bốc số, xếp hàng…

Nguyễn Thảo Vy (phải) giúp người bệnh điền các thông tin các nhân trên phiếu đăng ký. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG.

Với những bệnh nhân khuyết tật, người cao tuổi, Vy hỗ trợ bệnh nhân đăng ký mượn xe lăn của BV. Những trường hợp mắt kém hoặc không biết chữ thì cô giúp đăng ký thủ tục khám chữa bệnh.

Vy cho biết việc mình quyết định tham gia chương trình “Tiếp sức người bệnh” vì thấy đây là công việc rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đỡ được những người không mấy rành về các thủ tục khám chữa bệnh. Sau một năm tham gia công tác tình nguyện, điều Vy học hỏi được nhiều nhất chính là khả năng giao tiếp và sự nhẫn nại.

“Nhiều cô chú có tuổi đến BV khám bệnh mình phải hướng dẫn đến hai ba lần mà vẫn chưa thực hiện xong các thủ tục. Khi ấy mình phải kiên nhẫn hướng dẫn tận tình hoặc trực tiếp đưa họ đến từng khâu”, Vy kể.

Vừa ghi thông tin trên phiếu đăng ký, bà Lê Thị Bé Tư (56 tuổi, ngụ Tiền Giang) vừa nói: “Tụi nhỏ ngoan lại dễ thương, cái gì không biết tôi hỏi, mấy nhỏ chỉ dẫn tận tình lắm. Chương trình này rất hay, cần được duy trì”.

Bà Tư bộc bạch, mới đầu thấy các tình nguyện viên hướng dẫn bệnh nhân khác bà tưởng đó là dịch vụ mới của BV, sợ tốn tiền nên bà và con gái không dám tới hỏi. Thấy vậy, các tình nguyện viên tìm tới hỏi han rồi hướng dẫn bà hoàn thành thủ tục rất chu đáo và nhanh chóng. “Tôi mừng quá vì vừa được việc lại không mất tiền. Từ giờ đi BV khỏi phải lo nữa vì đã có người tiếp sức”, bà cười.

Giảm áp lực cho nhân viên y tế

Được triển khai từ năm 2013 dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Công tác xã hội Thanh Niên và Ban giám đốc Sở y tế TP.HCM, chương trình “Tiếp sức người bệnh” hiện đã có mặt tại các BV như Chợ Rẫy, Ung bướu, Truyền máu huyết học, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận 2, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ.

Các tình nguyện viên tận tình hướng dẫn người bệnh. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG.

Ông Nguyễn Công Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết quy trình khám chữa bệnh cơ bản từ bốc số, chờ gọi tên, làm thủ tục, vào phòng khám, nhận thuốc… cũng đã mất vài giờ đồng hồ. Người dân đến khám vì đợi lâu nên thường xuyên diễn ra cảnh chen lấn, cãi cọ với người xung quanh và cả đội y, BS của BV. Nhiều người dân ở tỉnh, người già, người khuyết tật lại càng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục. Trước thực trạng trên, “Tiếp sức người bệnh” đã ra đời tại BV Chợ Rẫy vào cuối năm 2013.

Trước đó, các cán bộ Trung tâm cùng các tình nguyện viên đã có 6 tháng khảo sát nhu cầu thực tế của bệnh nhân cũng như các áp lực của đội ngũ nhân viên, y bác sỹ, tại bệnh viện khi hóa thân thành người bệnh để trải nghiệm tất cả thủ túc khám chữa bệnh thông thường.

Theo ông Hằng, các tình nguyện viên tham gia chương trình đều được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, quy trình tiếp nhận bệnh. Tại các BV, tình nguyện viên được phân công túc trực tại các phòng, khoa để hướng dẫn thủ tục, quy trình khám, hướng dẫn bệnh nhân. “Ngoài một bữa ăn được BV hỗ trợ, các tình nguyện viên không có khoản thù lao nào. Thế nhưng trong suốt 6 năm thực hiện, chương trình đã thu hút hơn 40.000 lượt tình nguyện viên hỗ trợ bước đầu cho hàng trăm ngàn bệnh nhân và người thân bệnh nhân”, ông Hằng cho biết thêm.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, nhận định sự góp mặt của các tình nguyện viên trong chương trình đã góp phần làm thay đổi hành vi, xây dựng văn hóa xếp hàng, cách ứng xử văn minh của người đến khám chữa bệnh. Đồng thời, người bệnh cũng được hỗ trợ nhanh chóng hoàn thành thủ tục khám chữa bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi.

“Trước đây chúng tôi vừa phải khám bệnh vừa phải hướng dẫn bệnh nhân thì nay khâu hướng dẫn đã có các tính nguyện viên hỗ trợ, giúp giảm áp lực khá nhiều cho các y bác sĩ”, BS Khanh nói.

Từ khi có các tình nguyện viên đến hỗ trợ, áp lực của các điều dưỡng viên và nhân viên giảm rất nhiều. Các tình nguyện viên rất nhiệt tình, thành thạo các quy trình và trực tiếp hướng dẫn cho người bệnh.

(Chị Trần Chanh NaRết, Điều dưỡng viên BV Chợ Rẫy TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm