Đêm nay, bão số 2 đổ bộ vào quần đảo Hoàng Sa

Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hiện vẫn còn 17 thuyền viên mất tích trên khu vực quần đảo Hoàng Sa và việc tìm kiếm đang gặp khó khăn vì ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa biển động rất mạnh do áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 2.

Đến cuối giờ chiều 19-7, trong số 27 ngư dân Quảng Ngãi bị nạn trong cơn bão số 1 ở quần đảo Hoàng Sa thì 10 người đã được tàu chở hàng Jade Trader (quốc tịch Antigua&Barbuda) trên hải trình đến Hong Kong vớt được khi họ đang trôi dạt cách quần đảo Hoàng Sa hơn 90 hải lý (khoảng 100 km). Chiếc tàu này đang cập cảng Hong Kong để bàn giao 10 ngư dân cho Việt Nam. Vẫn còn 17 ngư dân mất tích chưa tìm thấy gồm 10 ngư dân trên tàu QNg 95904 của ông Nguyễn Văn Trung, sáu người trên tàu QNg 55904 của ông Nguyễn Văn Tẩn (đều cùng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và một ngư dân trên tàu QNg 96354 của ông Dương Thành ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.

Theo tin mới nhất từ người trực đài canh Icom ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, tàu hải quân Việt Nam đã phát hiện 16 ngư dân đang trú ẩn tại một hòn đảo nhỏ ở Hoàng Sa và đang tiếp cận để cứu họ nhưng không chắc chắn đó có phải là 16 ngư dân của Quảng Ngãi bị mất tích hay không. Hiện hai trong số ba tàu cứu hộ của hải quân Việt Nam đang trên đường đưa một số ngư dân cứu được về Đà Nẵng và sẽ cập cảng Tiên Sa trong sáng nay (20-7). Một số tàu cá tham gia cứu hộ tại đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng sẽ cập cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn trong hôm nay (20-7).

Đêm nay, bão số 2 đổ bộ vào quần đảo Hoàng Sa ảnh 1

Hướng đi bão số 2 theo bản tin 21 giờ 30 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương.

Tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hỗ trợ ba tháng gạo (mỗi tháng 15 kg) cho các ngư dân bị thiệt hại và các ngư dân tham gia cứu nạn ngư dân trên biển.

Sáng 19-7, lực lượng cứu hộ đã kéo tàu container Vinashin Orient ra khỏi gầm cầu Bính, cầu đã được thông trở lại nhưng chỉ cho phép người đi bộ, xe thô sơ, xe máy lưu thông qua cầu bằng làn đường không bị ảnh hưởng bởi vụ đâm tàu.

Đêm 18-7, cơ quan chức năng đã sử dụng máy cắt chuyên dụng hạ độ cao nóc tàu xuống 2 m và đơn vị trục vớt đã sử dụng hai “rùa” tời (đối trọng cố định) cùng ba tàu lai dắt kéo tàu Vinashin Orient ra. Sau hai lần đứt cáp kéo, tàu Vinashin Orient đã được kéo ra khỏi vị trí mắc kẹt dưới gầm cầu thành công.

Đêm nay, bão số 2 đổ bộ vào quần đảo Hoàng Sa ảnh 2

Công nhân cưa cabin chiếc tàu mắc kẹt để giải cứu cầu Bính. Ảnh: VOV

Trong bão, ba tàu biển đang sửa chữa tại Công ty CNTT Bạch Đằng đã bị gió bão giật đứt cáp neo, tông vào cầu Bính gây hư hỏng nghiêm trọng. Riêng tàu Vinashin Orient do nóc cabin quá cao đã bị kẹt tại gầm cầu…

Bão số 2 hình thành trên biển Đông

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối 19-7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 2 (tên quốc tế là Chanthu). Dự báo đến 19 giờ ngày 20-7, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía đông đông bắc. Đến 19 giờ ngày 21-7, vị trí tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông biển Đông (gồm cả vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Dự báo mưa, bão sẽ còn sai

Dự báo mở rộng để phòng tránh tốt hơn?

Bão số 1 có hướng đi kỳ lạ và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương chỉ dự báo chính xác trước khi bão đổ bộ vào vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh trước 3 tiếng làm Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chạy theo muốn hụt hơi.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo hạn ngắn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho rằng dự báo mở rộng như thế để phòng tránh tốt hơn…

. Thực tế vùng tâm bão đi qua có phạm vi hẹp hơn rất nhiều so với dự báo, vì sao có chuyện này, thưa ông?

+ Ngày 16-7, bão số 1 có khả năng di chuyển theo hai hướng: lên phía bắc đi vào Hải Phòng, Thái Bình và đổ bộ vào miền Trung. Chúng tôi đã dự báo mở rộng ra các tỉnh này.

Bão là một khối không khí rất to, tâm bão chỉ là một vùng nhỏ, còn vùng ảnh hưởng của bão rất lớn. Khi xác định chắc chắn bão đổ bộ vào đâu mới thu hẹp vùng ảnh hưởng. Nếu biết chắc bão vào đâu, chúng tôi chỉ ra luôn chứ việc gì phải mở rộng ra như thế. Cạnh đó, không phải lúc nào cũng xác định tâm bão chính xác, mà có sai số. Ví dụ, Việt Nam chỉ ra một điểm nhưng Nhật Bản lại chỉ ra một điểm khác; tương tự, Hong Kong cũng chỉ ra một điểm khác...

. Trung tâm cũng dự báo có mưa lớn, mưa nhiều nhưng thực tế cũng không đúng.

+ Dự báo mưa 200-300 mm là theo khả năng xấu nhất để phòng chống. Nếu biết mưa chỉ 100 mm thì đã dự báo rồi. Ngay cả nước Mỹ cũng không dự báo được tại một điểm mưa chính xác bao nhiêu.

. Người dân chưa hài lòng về chất lượng dự báo mưa, bão của trung tâm trong cơn bão vừa qua?

+ Vài ngày tới chúng tôi sẽ xem trong quá trình làm dự báo cơn bão số 1 có khúc mắc, sai sót ở đâu, trong khâu nào. Có thực hiện đúng quy trình hay không để rút kinh nghiệm... Hiện đang có áp thấp nhiệt đới nên trung tâm chưa thể làm việc này.

. Trung tâm đang khó khăn trong việc dự báo bão ở Việt Nam?

+ Muốn biết cường độ bão phải có số liệu chính xác ở khu vực quanh đấy trong khi các số liệu trên biển mình không có, chỉ có số liệu trên đất liền, ven bờ. Cùng với đó, chúng ta cũng không có mô hình dự báo bão riêng, chỉ có mô hình dự báo toàn cầu. Mô hình này không thể dự báo được ở khu vực nhỏ.

Nước ngoài họ có các trạm khí tượng phao trên biển và họ có mô hình dự báo bão riêng. Đầu vào của người ta tốt, dự báo sẽ tốt hơn.

Tuy thiếu số liệu và mô hình nhưng chúng tôi dựa vào các số liệu tham khảo của các trung tâm dự báo nước ngoài về đường đi, cường độ bão, kết hợp với ảnh vệ tinh, hoàn lưu… để dự báo chứ không dựa hoàn toàn vào dự báo của nước ngoài...

. Xin cảm ơn ông.

HOÀNG VÂN thực hiện

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm