Đề xuất quán cơm bán rượu cần phải có giấy phép

Ngày 23-3, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt nam (VBA) đã tổ chức hội thảo Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và Giải pháp. Cuộc hội thảo diễn ra sau bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu trong thời gian qua.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ (Bộ Công Thương) thừa nhận thực tế việc quản lý sản xuất, kinh doanh rất khó khăn. Theo quy định, rượu bán ra thị trường phải có tem, nhãn mác, đạt tiêu chuẩn quy định nhưng trên thực tế cơ quan chức năng chỉ kiểm tra, kiểm soát được các sản phẩm được sản xuất từ doanh nghiệp, làng nghề,…còn công đoạn bán lẻ rượu rất khó kiểm soát.

“Ở các nước châu Âu, sản xuất, bán buôn rượu không cần giấy phép nhưng bán lẻ rượu lại cần giấy phép. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, kiểm soát chặt chẽ khâu bán buôn, phân phối nhưng bán lẻ không cần giấy phép”- Ông Dũng chia sẻ.

Bệnh nhân ngộ độc rượu ở độ tuổi từ 20-60 tuổi và nguyên nhân được xác định do lạm dụng rượu, uống quá nhiều. Ảnh: PHI HÙNG

Do đó, theo ông Dũng, thời gian tới, cơ quản lý sẽ đề xuất sửa Nghị định về sản xuất kinh doanh rượu theo hướng các địa điểm như quán cơm, quán nước muốn bán rượu cần có giấy phép và thủ tục cấp giấy phép sẽ đơn giản. “Ngộ độc rượu phần lớn không phải do rượu tự nấu mà do cơ sở kinh doanh, sản xuất pha cồn công nghiệp”- Ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ Công Thương) nhìn nhận, rượu gạo, rượu quê được bán tràn lan nhưng không ai biết được nó được sản xuất thế nào, nguồn gốc ra sao, quy trình lên men có phù hợp không?

Vì lợi nhuận, có nơi bán mỗi lít rượu chỉ 12.000-15.000 đồng, rẻ hơn nước lọc đóng chai. “Nếu nấu giỏi thì mỗi kg gạo cho ra khoảng 1 lít rượu. Trong khi 1kg gạo có giá trên 12.000 đồng, chưa kể chi phí khác mà rượu được bán ra chỉ chừng đó tiền thì tôi không tin rượu đạt chất lượng. Chỉ dùng cồn công nghiệp pha vào mới có giá đó.”- Ông Cường dẫn chứng.

Theo ông Cường, những vụ ngộ độc rượu methanol không phải do rượu truyền thống, dù qua quá trình chưng cất có thể sinh ra một lượng methanol nhưng nó không đủ để gây ngộ độc cho người sử dụng. Nguyên nhân của tình trạng ngộ độc và tử vong hàng loạt thời gian gần đây là do việc sử dụng cồn công nghiệp có chủ đích trong sản xuất rượu.

Các văn bản quy pháp pháp luật về kinh doanh rượu đã có nhưng tại sao vẫn xảy ra những vụ ngộ độc rượu tràn lan? Vị này cho rằng trách nhiệm của địa phương cần phải được làm rõ. Nếu địa phương không quyết liệt thì không thể nào giải quyết được tình trạng tùy tiện trong sản xuất kinh doanh rượu.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc methanol trước đây rất ít, nhưng giờ tỉ lệ tăng lên. Từ tháng 1-2017 đến nay có 34 ca, trong đó tử vong 9 (5 ca tổn thương não), 15 ca ảnh hưởng tổn thương não, chỉ có 10 ca sống.

Trong số các ca đưa vào viện chủ yếu là sinh sống ở Hà Nội. Bệnh nhân ngộ độc rượu ở độ tuổi từ 20-60 tuổi và nguyên nhân được xác định do lạm dụng rượu, uống quá nhiều. Nhiều ca đến bệnh viện trong tình trạng methanol trong máu là 20-569/100 ml, chiếm trên 90%. Theo bác sỹ Nguyên, ngộ độc rượu không phải do nguyên nhân chính từ rượu truyền thống mà xuất phát từ rượu pha cồn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm