Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (BHXH). Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay phát triển đối tượng BHXH còn dưới mức tiềm năng, nhiều người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia.

Luật hiện hành đang “bỏ sót” nhiều đối tượng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2019, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp tám lần số lượng doanh nghiệp. Theo cơ quan thuế, cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế (hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp). Tuy nhiên, nhóm này chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nên rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH tự nguyện.

Còn theo số liệu của Bộ KH&ĐT, năm 2019 có khoảng 23.000 hợp tác xã hoạt động, thu hút gần sáu triệu thành viên tham gia. Trong đó 1,2 triệu người làm việc trong khu vực hợp tác xã. Nhưng theo báo cáo của cơ quan BHXH thì mới có gần 7.000 hợp tác xã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho khoảng 41.000 người lao động. “Qua khảo sát tại một số địa phương, nhiều quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương. Quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người làm việc không trọn thời gian, tham gia BHXH bắt buộc với công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, quy định trên giúp tăng nguồn thu của quỹ BHXH trong ngắn hạn và trung hạn, đồng thời cũng tăng nguồn chi từ quỹ BHXH trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Số người nhận BHXH một lần để lo cuộc sống trước mắt đang có
xu hướng tăng. Ảnh: V.LONG

Cần có sự chia sẻ trong tham gia BHXH

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng (đóng nhiều hưởng nhiều và ngược lại) nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người lương cao và thấp.

Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, mức lương hưu bình quân là 4,26 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, cao nhất là 101,3 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 1,3 triệu đồng/người/tháng (hơn 4.100 người có lương hưu mức này). Việc chênh lệch khá lớn về lương hưu làm nản lòng người có mức lương thấp, dẫn đến tăng số người muốn nhận BHXH một lần. Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 600.000 người hưởng BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH.

Vì vậy, cơ quan này đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu cho người lao động, theo hướng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó và tiền lương tháng đóng BHXH trung bình của những người tham gia BHXH để tính lương hưu. Như vậy sẽ có sự chia sẻ nhất định giữa người lương cao với người lương thấp.

“Việc thu hẹp khoảng cách về lương hưu sẽ khuyến khích người tham gia BHXH có mức lương thấp bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần...” - Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết nếu được cho phép, đơn vị sẽ thừa ủy quyền Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự luật lần đầu vào kỳ họp thứ hai khóa XV (tháng 10-2022). Trình Quốc hội thông qua qua vào kỳ họp thứ ba khóa XV (tháng 5-2023). 

“Siết” quy định nhận BHXH một lần

Hiện nay điều kiện nhận BHXH một lần khá dễ dàng. Cụ thể, sau một năm không tham gia BHXH, người lao động có thể nhận BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và hai tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó.

Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng hai tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi. Cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng lương hưu sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.

Vì vậy, cần điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần, hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.

Cạnh đó, luật cũng cần sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được hưởng lương hưu.

65% người già Việt Nam không có lương hưu

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi trở lên đối với nữ, 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó, chỉ có trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu (chiếm 22,1%) và 1,8 triệu người đang hưởng trợ cấp hưu trí. Vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa tham gia bảo hiểm hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. 

Thăm dò ý kiến

Có nên rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm