Dạy võ cho bác sĩ để đối phó khi bị hành hung?

Thời gian qua, hàng loạt vụ hành hung bác sĩ đã xảy ra. Bộ Y tế nhiều lần có chỉ đạo nhằm xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, bạo lực y tế vẫn liên tục xảy ra.

Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi cùng Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), về vấn đề trên.

Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh NVCC

"Bạo lực kéo tụt chất lượng y tế"

. Phóng viên:  Thưa ông, thời gian gần đây bạo lực y tế liên tiếp xảy ra; nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ tác động xấu tới tâm lý, sức khỏe của đội ngũ y, bác sĩ và xa hơn là chất lượng ngành y tế. Trung tá đánh giá vấn đề này như thế nào?

+ Trung tá Đào Trung Hiếu: Đúng vậy! Thống kê cho thấy bạo lực y tế chiếm tới 25% các vụ bạo hành tại nơi làm việc. Trong số này, 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng; và có đến 90% số vụ xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.

Đưa ra một vài con số như vậy để thấy rằng bạo lực y tế đang thực sự ở mức “cảnh báo”. Nó có thể diễn ra bất cứ lúc nào, khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh; khi đang giải thích cho người nhà; hay thậm chí là ngăn không cho trèo lên lan can chụp ảnh vợ sinh...

Hậu quả của bạo lực y tế thì có thể nhìn thấy dễ dàng. Không ai có thể làm tốt công việc khi bị chính đối tượng mà mình đang phục vụ đối xử tệ.

Bị hành hung, chắc chắn nhiệt huyết và sự tự tin sẽ giảm đi rất nhiều; hoặc có thể khiến nhân viên y tế bị bị stress, trầm cảm, luôn làm việc trong trạng thái bất an, chán nản.

Bạo lực gia tăng, đồng nghĩa với việc người bệnh/người nhà bệnh nhân đang tự tay mình đẩy chất lượng y tế đi xuống. Hãy hình dung một bác sĩ bước vào phòng phẫu thuật với nỗi ám ảnh từ sự đe dọa của người nhà bệnh nhân, liệu bàn tay ấy có không run rẩy, có đảm bảo độ chính xác tốt nhất?

Nguyên nhân từ cả hai phía

. Câu chuyện hành hung bác sĩ đã được nhắc đến nhiều lần, tuy nhiên đến nay nó vẫn diễn ra liên tiếp dù đã được xã hội cũng như cơ quan chức năng quan tâm. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?

+ Phải khẳng định rằng bạo lực y tế xảy ra không chỉ do một phía người nhà bệnh nhân mà một phần cũng xuất phát từ chính đội ngũ y, bác sĩ.

Thứ nhất, bệnh viện là nơi khám chữa bệnh. Trong quá trình đó, những sự cố y khoa là không tránh khỏi, kéo theo sự bức xúc của gia đình bệnh nhân, dễ dẫn đến ẩu đả, hành hung nhân viên y tế. Hoặc một số ca cấp cứu do các cuộc xô xát, thanh toán bên ngoài xã hội, kéo theo những nhóm côn đồ vào bệnh viện truy sát đối thủ.

Thứ hai, y đức xuống cấp khiến nạn bạo hành tại bệnh viện ngày càng gia tăng. Rõ ràng, đạo đức của một bộ phận ngành y không tốt, cá biệt còn hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, vô cảm,… khiến bệnh nhân và người nhà bức xúc, dẫn tới những hành vi khó kiểm soát.

Thứ ba, nhiều cán bộ, nhân viên y tế còn thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng nắm bắt tâm lý, thái độ ứng xử chưa thực sự tốt.

Thứ tư, đội ngũ bảo vệ của bệnh viện hiện nay còn yếu kém, độ tuổi trên 40- 50 chiếm số đông, một số chưa được huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ chuyên nghiệp, không có đủ trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để làm việc.

Ngoài ra, nhiều bệnh viện không có các phương tiện, trang thiết bị bảo vệ cần thiết; các biện pháp bảo đảm an ninh chưa được quan tâm đúng mức; không thường xuyên tập huấn kinh nghiệm cho nhân viên; thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền cũng như lãnh đạo bệnh viện,…

Hàng loạt vụ hành hung bác sĩ đã xảy ra thời gian qua.

Dạy võ cho bác sĩ để tránh bị hành hung

. Vậy theo ông, cần làm gì để tình trạng bạo lực y tế không còn?

+ Một giải pháp rất truyền thống, vĩ mô nhưng cũng rất thực tế, đó là phải nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an ninh bệnh viện cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên y tế. Có nhận thức đúng đắn thì mới có giải pháp phòng ngừa.

Ngành y tế nói chung cần triển khai các kế hoạch kiểm tra, rà soát cơ sở y tế xem công tác bảo đảm ANTT có đảm bảo không; đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo vệ nhân viên của mình. Có thể nghiên cứu bổ sung luật về việc nghiêm cấm xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ; xử nghiêm những vụ hành hung, lăng mạ bác sĩ.

Đặc biệt, nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm túc 12 điều y đức cũng như quy chế ứng xử với người bệnh; công khai quy trình cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, lắp đặt đầy đủ hệ thống camera trong các phòng khám, điều trị, hành lang, khuân viên… kết nối với trung tâm điều hành bảo vệ. Cần thiết thì lắp hệ thống chuông báo động an ninh để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, các bệnh viện nên thường xuyên tập huấn cho nhân viên về vấn đề này, mời chuyên gia hướng dẫn xử lý trong các tình huống giả định để biết cách xử trí khôn ngoan. Thậm chí có thể tổ chức dạy võ cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như bảo vệ.

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an trong việc đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh; chủ động ngăn chặn, xử lý tại chỗ các vụ việc phức tạp, không chỉ trông chờ các cơ quan công an,…

Xin cảm ơn ông!

Bị tấn công, bác sĩ nên làm gì?

Quá trình tiếp xúc với người nhà, nếu câu chuyện diễn biến theo chiều hướng căng thẳng, nảy sinh cãi vã, cần mềm mỏng lắng nghe rồi tìm cách rời đi, không đứng lại tranh luận đúng sai.

Tình huống bạo lực phát sinh, cần thoát ly ngay khỏi đám xung đột, có thể bỏ chạy hoặc lấy lý do hợp lý rời đi. Những nhân viên y tế khác cần khẩn trương bấm chuông báo động hoặc gọi lực lượng bảo vệ đến xử lý.

Nếu tương quan lực lượng đông hơn, có thể xúm vào can ngăn, mềm mỏng phân tích thiệt hơn để đối tượng “hạ hỏa”. Cần chú ý kỹ năng giao tiếp lúc này, chú ý lắng nghe vấn đề của gia đình bệnh nhân, hứa hẹn giải quyết để hạ nhiệt.

Nếu vẫn bị tấn công, tuyệt đối không đứng im để đối tượng hành hung mình. Khi không thể chạy được, hãy nhớ mình có quyền phòng vệ chính đáng. Có thể chống trả bằng chân tay không, hoặc bằng các vật dụng xung quanh quơ được.

Tuy nhiên, nên nhớ chống trả để vô hiệu hóa, ngăn chặn hành vi tấn công chứ không nhằm mục đích gây thương tích cho đối phương. Tốt nhất vừa chống trả vừa la hét thật to để thu hút sự trợ giúp của người khác, đồng thời khiến kẻ gây sự sợ hãi mà bỏ đi. Ngay khi có cơ hội rời đi, bỏ chạy đến phòng có cửa an toàn và gọi bảo vệ.

Những nhân viên y tế khác khi thấy đồng nghiệp bị tấn công, cần báo ngay bảo vệ. Nếu đối tượng dùng chân tay không mà lực lượng đông hơn thì có thể xông vào ôm giữ, kéo đối tượng ra. Nếu đối tượng có hung khí nguy hiểm, cần thiết ấn chuông báo động hoặc gọi điện thoại cho cảnh sát đến ứng cứu.

Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm