Dạy chống xâm hại, trường bảo 'bậy bạ'!

Sáng 16-3, các chuyên gia luật, y tế, tâm lý đã có nhiều ý kiến tại  buổi tọa đàm Chống xâm hại tình dục trẻ em do báo Tiền Phong và ĐH Văn Hiến đã tổ chức ngày 16-3.

Luật sư Lê Ngọc Luân cho rằng, nhiều vụ việc sau tố cáo đều rơi vào bế tắc do bộ phận điều tra thiếu kỹ năng khi làm việc với trẻ em. Luật sư nói: “Nhiều điều tra viên rất có kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm nhưng thiếu hẳn kinh nghiệm khi hỏi dồn dập trẻ nhỏ về điều gì đã xảy ra. Các em sẽ sợ hãi và nói cho xong để được yên thân, hoặc khai mỗi lúc mỗi khác, rất khó điều tra”.

Phụ huynh bất an gieo vào đầu con những lo lắng không đáng có 

Luật sư Lê Ngọc Luân và các chuyên gia tại hội thảo

Luật sư Lê Ngọc Luân và các chuyên gia tại hội thảo

Đồng cảm với các luật sư, tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý- Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: "Nhiều rất phụ huynh cứ bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại. Điều này làm chon trẻ bị chấn thương tinh thần nhiều hơn. Tôi thấy, phụ huynh đang bất an nhiều quá. Mặt trái nguy hiểm là gieo vào đầu con những lo lắng không đáng có. Điều này làm trẻ nghi ngờ xã hội, không yên tâm với các mối quan hệ xung quanh.  Có nên không? Phụ huynh cần giáo dục cho con trong những trò chơi, trong những cuộc nói chuyện. Hãy dạy trẻ lớn lên như 1 con người có nhân cách, biết tự bảo vệ mình chứ không nên dạy con nhìn đâu cũng thấy tội phạm, nơi nào cũng không an toàn…”. Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cũng chia sẻ rằng, có những ca sau khi bị xâm hại, trẻ đã tự tử. Trước đó, trẻ được quan tâm thái quá nhưng không đúng cách. Người thân của trẻ nôn nóng, báo chí vào cuộc, công an đến làm việc…có quá nhiều câu hỏi lặp đi lặp, điều đó quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Tiến sĩ Thúy nhận mạnh: “Người lớn chúng ta phải rút kinh nghiệm, quan tâm phải đúng cách”.

Bác sỹ tâm lý Hoàn Vũ Quỳnh Trang- bệnh viện nhi đồng I cho rằng ngay các bậc cha mẹ cũng cần có bác sĩ tâm lý sau khi con họ bị xâm hại. Bác sĩ Quỳnh Trang nói: “Tôi đã điều trị cho một ca, bé gái mới 9 tuổi, bị hãm hiếp và rách tầng sinh môn, phải đưa đi điều trị. Sau điều trị, bé đã vô tư vui đùa trở lại, nhưng mẹ của bé rất hận thù, chỉ muốn tìm giết kẻ thủ ác. Thái độ của bà sẽ ảnh hưởng không tốt đối với đứa trẻ”.

Hiệu trưởng mà còn hỏi "dạy cái gì bậy bạ?"

Bác sĩ Quỳnh Trang lưu ý các bậc cha mẹ: “Hãy dạy con yêu thương và bảo vệ bản thân mình. Cha mẹ phải có những hành vi phù hợp. Ví dụ, cha mẹ không được hôn môi con, không sờ vào vùng kín của trẻ. Cha mẹ có bận rộn cách nào cũng nên có cuộc nói chuyện định kỳ với con, như vậy đứa trẻ dễ nói với cha mẹ những điều xảy ra thay vì rất lâu sau mới nói, thời điểm vàng thu thập chứng cứ khi bé bị xâm hại đã trôi qua”.

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện cán bộ TP.HCM đã xây dựng được một chương trình giáo dục giới tính nhằm trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ lứa tuổi tiểu học. Tiến sĩ Linh Trang và các cộng sự đã liên hệ các trường tiểu học để dạy miễn phí. “Nhưng cũng có những trường học từ chối, khi giáo viên đề nghị hiệu trưởng đưa tiết học giáo dục giới tính thì họ đã hỏi: dạy cái gì bậy bạ?. Họ làm quản lý mà nhận thức còn chưa tới. Nhưng không chỉ là vấn đề nhận thức mà họ còn sợ áp lực từ các cấp quản lý. Có trường yêu cầu chúng tôi phải đi xin giấy giới thiệu của phường mới được vô dạy”.

Tiến sĩ Lê thị Linh Trang cho biết nhiều hiệu trưởng từ chối chương trình giáo dục giới tính và kỹ năng miễn phí cho trẻ nhỏ

 

Trông đợi ở cơ quan điều tra

Tại buổi toạ đàm, ông LHT phường Trường Thạnh, quận 9) bức xúc cho biết, cháu gái ông 13 tuổi bị xâm hại.  Gia đình đã viết đơn tố cáo đã 20 ngày rồi nhưng vẫn chưa được cơ quan điều tra hồi âm.

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó trưởng phòng 6, Cục cảnh sát hình sự đã trả lời: “Thông tư 06 nêu rõ, thời hạn 30 ngày giải quyết đơn bình thường. Nhưng với vụ phức tạp thì cần thời gian điều tra 2 tháng. Nếu phức tạp hơn thì cần thời gian dài hơn. Vụ việc đã chuyển lên đội trọng án thì chắc chắn vục việc rất phức tạp nên cần thời gian hơn”. Thượng tá Phòng cho biết thêm, nói về vấn đề xâm hại tình dục rất rộng và nan giải. Cơ quan điều tra phải tập trung về vật chất, như tinh dịch, lông, tóc… Nếu thời gian quá dài, chứng cứ vật chất không còn nên cần kiến nghị sửa luật cho phù hợp”. Cả hội trường đã vỗ tay khi thượng tá dứt lời.

Thầy Huỳnh Thanh Phú- hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, quận 10 nếu ý kiến: “Mong các cơ quan điều tra làm việc quyết liệt hơn nữa, đừng để dư luận bức xúc: Người dân bức xúc là nguy hiểm lắm. Ví dụ vụ xâm hại ở Vũng Tàu, có đến 8 nạn nhân mà không có câu trả lời, tôi nghĩ lỡ mà 8 gia đình đó tự xử nghi phạm luôn thì nguy hiểm tới mức nào". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm