Đầu tư vào đăng kiểm như đâm đầu vào đá!

“Đẻ” rồi bỏ rơi

Từ năm 2005 đến 2008, Bộ GTVT và Cục ĐK thí điểm thành lập chín trung tâm ĐK xe cơ giới (ký hiệu trạm D) theo mô hình: Các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức con người bộ máy để thực hiện công tác kiểm định xe.

Mô hình này đã huy động được tiềm năng, nguồn lực của xã hội cho hoạt động kiểm định, giảm chi ngân sách Nhà nước; đáp ứng nhu cầu kiểm định khi lượng xe tăng hằng năm… Với mô hình này, Cục ĐK chỉ thực hiện việc quản lý thông qua các cuộc kiểm tra mà không hề quan tâm đào tạo ĐK viên các hạng để bổ sung, kế thừa cho các trạm. Theo quy định, ĐK viên, trưởng dây chuyền các trạm D là do Cục ĐK đào tạo, cấp chứng chỉ và họ có quyền như ĐK viên ở các trạm Nhà nước (V - của Cục, S - của các sở) trong việc kiểm định xe, cấp tem, giấy chứng nhận kiểm định.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Ô tô Quốc Tuấn, chủ đầu tư trạm ĐK 60-04D tỉnh Đồng Nai, suốt bảy năm trạm sống như cảnh… “con rơi”! Vì không được đào tạo ĐK viên các hạng nên sau các cuộc kiểm tra của cục, nhiều ĐK viên bị phát hiện làm sai, kiểm định lụi xe… bị đình chỉ công việc. Từ chỗ thiếu ĐK viên, một số trạm D bị đình chỉ hoạt động.

Đầu tư vào đăng kiểm như đâm đầu vào đá! ảnh 1

Kiểm tra khói xe ở một trạm ĐK xã hội hóa tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: LĐ

Ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho rằng trạm D là do cục “sinh ra”, “sống” trên đất Đồng Nai nhưng Sở không thể quản lý cả con người lẫn hoạt động.

Xã hội hóa nửa vời

Với tình trạng “con rơi”, “chân không ở tỉnh, đỉnh không ở cục” và thua lỗ nên có 6/9 trạm bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, 51 ĐK viên bị đình chỉ chức danh. Hai trạm ở TP.HCM phải tự dừng hoạt động, hai trạm ở Gia Lai và Đắk Lắk phải chuyển sang mô hình mới: Hợp đồng làm ăn với cục (người trong giới ĐK gọi là trạm D’).

Thế là từ năm 2009 đến nay, có sáu trạm ĐK hoạt động thí điểm theo mô hình D’. Theo đó, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn cán bộ, ĐK viên là công chức, viên chức thuộc các sở GTVT hoặc của Cục ĐK Việt Nam thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy, tem... Việc phân chia nguồn thu từ phí, lệ phí kiểm định được quy định bằng hợp đồng giữa trạm và chủ đầu tư. Theo đó, Cục ĐK Việt Nam ký hợp đồng với các chủ đầu tư. Mức ăn chia sau thuế là 7-3, 6-4 hoặc 5-5 tùy vào mức độ đầu tư… và cục hưởng lợi từ nguồn thu ăn chia này.

Nhiều người cho rằng mô hình D’ là cuộc “cưỡng hôn” của Cục ĐK vì khi chuyển đổi từ mô hình D sang D’, Cục ĐK không hề trao đổi với cơ quan quản lý liên quan và các sở GTVT. Tại buổi tổng kết nêu trên, nhiều ý kiến từ các vụ của Bộ GTVT cho rằng việc tự chuyển sang mô hình D’ là đang giết chết chính sách xã hội hóa của Bộ GTVT. Bản thân việc cục điều công chức của cục xuống nắm các trạm D’ ở vùng sâu, vùng xa là xa rời nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý ấn chỉ và “mang dao phay đi mổ gà”!

Kiểu hợp tác đội mũ V

Từ năm 2000, TP.HCM thực hiện từng bước di dời các trạm ĐK ra ngoại ô nhưng tháng 11-2012, Cục ĐK cho ra đời chi nhánh trạm ĐK 50-05V tại đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình. Thực chất đây là trạm xã hội hóa mang nhãn mác V vì đất đai, nhà xưởng, hai dây chuyền kiểm định xe của một đơn vị thuộc Hàng không Việt Nam và cán bộ ĐK là người của cục. “Chúng tôi biết Sở GTVT và lãnh đạo TP.HCM không hài lòng với sự xuất hiện của chi nhánh này nhưng bên hàng không có đất, nhà xưởng, máy móc thì chúng tôi hợp tác!” - ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục ĐK, nói.

Xã hội hóa ĐK là cần thiết để huy động các nguồn lực xã hội. Phải thay đổi tư duy, đừng nghĩ tư nhân là xấu, Nhà nước thì tốt. Vẫn những con người đấy thôi, vấn đề là quản lý thế nào.

Bộ trưởng Bộ GTVT ĐINH LA THĂNG, phát biểu tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVTchiều 29-10

Cục ĐK Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu mô hình xã hội hóa ĐK xe cơ giới; xây dựng cụ thể, chi tiết, rõ ràng các mô hình, lộ trình xã hội hóa; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch toàn mạng các trạm ĐK trên cả nước và sớm trình Bộ trong tháng 11-2013…

Thứ trưởng Bộ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ,phát biểu tại cuộc họp Tổng kết tám năm xã hội hóa ĐK ngày 17-10

Với các trạm ĐK tư nhân thì nên để các chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch, quy chuẩn của Nhà nước. Cục ĐK nên tập trung quản lý ấn chỉ, kiểm tra, giám sát công tác kiểm định…

Ông DƯƠNG HỒNG THANH, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Sở đã quy hoạch bốn trạm nằm ở bốn huyện, thị trấn và cách đều nhau 30-40 km theo quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới trạm ĐK năm 2005 nhưng cục đã không tôn trọng quy hoạch của chúng tôi, phá vỡ quy hoạch cho ra đời nhiều trạm D gần kề thì làm sao tránh khỏi tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh, xét xe ẩu để hút khách…!

Ông TRẦN VĂN QUAN, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm