Đâu phải trại hòm nào cũng đi giành xác!

“Đâu phải ai làm nghề trại hòm cũng đi giành xác chết để kiếm tiền dịch vụ! Ở xóm tui có chú Nhân trại hòm toàn đi kiếm người mất có hoàn cảnh neo đơn để lo an táng miễn phí kìa”. Một bạn đọc tên Mai, phường Bình Hưng Hòa (TP.HCM) gọi đến chúng tôi sau khi đọc bài “Những chiêu trò giành xác chết của các trại hòm” đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 20-9. Chúng tôi tìm đến khu dân cư nơi đây.

Nghĩa tử phải là nghĩa tận

Ngôi nhà của bà Đinh Thị Tuyết, ngụ hẻm 666 đường Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân quạnh quẽ khói hương. Bà Tuyết xúc động: “Hai hôm nay, cô mệt tim quá, tưởng là sắp gặp ông bà rồi nên đi nhận gạo không nổi, may mà chú Nhân vừa mang gạo tới cho”. Nhà bà có ba người con trai thì một người đang thụ án trong trại giam, một người mới mất cách đây bốn năm. Chồng bà cũng đã lớn tuổi, mắt mờ nên chẳng lao động được, bà nhận trông giữ trẻ con hàng xóm để kiếm chút đỉnh qua ngày. Ngước nhìn di ảnh người quá cố rồi chỉ vào đứa cháu đang chăm chú xem tivi, nước mắt bà Tuyết chực lăn: “Chỉ còn ba năm là ba thằng nhỏ ra tù mà không biết cô có lo được đến lúc đó không. Mẹ nó bỏ đi khi nó mới một tuổi. Cũng là một kiếp người mà sao số cô khổ quá. Đến nỗi mua một cái hòm chôn cất cho con mà cô cũng không lo nổi, may nhờ một tay chú Nhân lo hết, đã vậy còn tặng gạo hằng tháng, dịp lễ gì cũng nhớ đến gia đình cô cả”.

Trong căn nhà trọ tại phường Bình Hưng Hòa A, chị Nguyễn Hà Tâm Thanh mắc bệnh ung thư tử cung đang sống cùng hai con. Chồng chị đi làm ăn xa biền biệt, về thăm nhà được một ngày thì lên cơn tai biến. Chị Thanh nghẹn ngào kể: “Ai ngờ anh lại đi trước cả tôi. Lúc đó, tôi không còn đồng nào để đóng tiền thiêu xác chồng nên ngậm ngùi bảo trung tâm hỏa táng hãy coi như đó là xác vô thừa nhận. May mà có chú Nhân hỗ trợ hòm và lo mai táng phí hết. Tướng chú ấy mới nhìn tưởng bặm trợn nhưng lại hiền lắm cô”…

Anh Nhân (phải) đang hỏi thăm gia đình bà Tuyết. Ảnh: H.LAN

“Chú Nhân” mà bà con nghèo hay nhắc tới là Nguyễn Hữu Nhân, chủ cơ sở phục vụ mai táng Nhân Thọ, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Hơn 10 năm làm việc ở trại hòm này, anh Nguyễn Văn Lợi cho biết anh Nhân vẫn hay nhắc nhở nhân viên rằng công việc của mình là phải góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình có người thân vừa mất. Có lần anh Bình, một nhân viên trong đội đang trên đường về quê, thấy xe cứu thương chở người chết mà người nhà đi theo coi bộ rất nghèo khó nên anh chạy theo xe luôn. Đến nơi, thấy gia cảnh người này rất khổ, anh mạnh dạn đề xuất hỗ trợ. Từ đó, anh Nhân luôn lấy tấm gương của anh Bình ra để nhắc nhở anh em trong đội rằng nghĩa tử phải là nghĩa tận”.

Người chết cũng cần một bộ đồ tử tế

Là thành viên Ban Trợ táng của quận Bình Tân, cơ sở mai táng của anh còn có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng công an thu dọn hiện trường tai nạn, án mạng để chờ người thân đến nhận. Không ít trường hợp, thân nhân đến nhận nhưng quá nghèo, không đủ tiền để lo ma chay. Anh Nhân hỗ trợ hòm và còn vận động anh em trong ban trợ táng, bạn bè, bà con lối xóm giúp đỡ thêm tiền hỏa táng hoặc đưa về quê chôn. Có cô bé mới ngoài 20 tuổi, vừa từ Bạc Liêu lên kiếm việc làm thì bị tai nạn giao thông, người nhà chỉ kịp gom đủ tiền xe tất tả chạy lên nhận con. Có người phụ nữ giận chồng nên bỏ lên thành phố hành nghề lượm vé thu phí ở cầu vượt để bán lại cho các tài xế thì bị xe đụng chết. Suốt hơn năm tháng sau khi xác chị được đem về Bình Hưng Hòa, anh Nhân vẫn thường ghé ngang hỏi thăm đã có người thân đến nhận xác chị chưa. Rồi anh cầu nguyện và cũng đến ngày người chồng lên đón chị về lại dưới quê. Lúc này anh Nhân mới cảm thấy nhẹ nhõm được. “Cũng một kiếp người mà sao có những người chết thảm thương quá. Nhìn người ta từ biệt cõi đời mà không mảnh áo quan, không người thân mình không cầm lòng được” - anh Nhân nói.

Có lần tình cờ thấy những cái xác chờ người đến nhận ở Bình Hưng Hòa không có quần áo mặc, trơ da lạnh lẽo, anh liền mua mấy trăm bộ đồ pijama để sẵn ở đó rồi dặn bác sĩ pháp y hoặc nhân viên trông coi mặc cho những người xấu số.

kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Nhân thừa nhận loại hình kinh doanh mai táng biến tướng khá phức tạp, không ít cơ sở lợi dụng tình cảnh tang gia bối rối để trục lợi. Anh nói: “Có nhiều cách để người ta móc túi tang chủ như gài người nhà vào thế phải mua hòm bằng cách tranh giành tắm rửa, thay áo quan cho người chết trước, kê khống các chi phí như vàng mã, hạt dưa, trà, nước, áo tang… Một số “cò” chỉ chăm chăm bán hòm chứ không cần biết nhu cầu của gia chủ”. Anh quan niệm rằng nghề trại hòm cần hữu xạ tự nhiên hương, người ta biết mình có tâm thì tự tìm đến khi hữu sự, nếu chăm chăm kinh doanh để thu lợi nhuận thì bạc vô cùng.

HOÀNG LAN

Nhà tôi trước đây rất nghèo. Tôi phải lăn lộn kiếm sống với đủ thứ nghề như bán vé số, hàng rong, phụ hồ. Lúc người cha và chị ruột của tôi mất, gia đình không đủ tiền mua nổi tấm áo quan. Từng phải đi xin áo quan để mặc cho người cha và người chị ruột nên tôi cảm nhận rất rõ cái khổ của người nghèo. Lo cho người chết cũng là làm yên lòng người còn sống. San sẻ được phần nào gánh nặng cho họ thì mình cũng được nhẹ lòng hơn.

Anh NGUYỄN HỮU NHÂN, chủ cơ sở phục vụ mai táng Nhân Thọ, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân

Không chỉ hỗ trợ áo quan, lo ma chay người cơ nhỡ mà anh Nhân còn nghĩ đủ cách giúp đỡ bà con nghèo như trợ cấp gạo thường xuyên cho 23 người già trên địa bàn hơn sáu năm nay, tặng quà tết cho các hộ khó khăn, vận động xây nhà tình thương cho người nghèo… Bà con quý anh ở cái tâm, vì họ biết anh không phải là người giàu về vật chất, không phải lúc nào anh cũng rủng rỉnh tiền trong túi. Anh Nhân đã được UBND TP.HCM trao tặng bằng khen “Những tấm gương cao cả mà thầm lặng” năm 2014, được Hội Chữ thập đỏ Trung ương và TP.HCM tuyên dương điển hình “Hoa việc thiện” nhiều năm liền.

Bà MAI THỊ MỸ HƯƠNG, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Bình Tân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm