Đầu năm xông biển Hoàng Sa

Mùng năm tết, ngư phủ miền Trung đã chộn rộn lên lịch trình cho chuyến xông biển đầu năm mới. Những con tàu được sửa sang, màu sơn mới cứng. Lưới mới, ngư cụ chất đầy ắp các khoang tàu. Âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng) chiều đầu năm, những con thuyền công suất lớn nằm bờ san sát nhau chờ ngày đẹp để thẳng tiến ra biển Đông. Thuyền trưởng Lê Văn Chiến, chủ tàu ĐNa-90351 TS, hào sảng kể chuyện năm cũ thắng lớn vì được mùa tôm cá. Thuyền trưởng Chiến cho biết: “Mọi người đang chờ ngày đẹp nhất đầu xuân để đạp sóng vươn khơi. Ai cũng háo hức, hy vọng vào chuyến đi biển đầu năm”.

Đầu năm xông biển Hoàng Sa ảnh 1

Tàu thuyền mở biển đầu xuân. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Nối gót đội Hùng binh xưa

Chiều nay, mùng sáu tết, ngư dân làng biển Thanh Khê sẽ cúng thần biển Nam Hải để cầu mong cho các ngư dân vượt qua mọi thử thách, hiểm nguy trên biển. Họ cầu mong các ngư phủ tràn đầy sinh lực, kiên cường bám trụ ngư trường dù biển Đông luôn nhiều sóng dữ và hiểm nguy chực chờ. Hàng trăm ngư dân cùng các bậc tiền bối sẽ làm lễ và triển khai ra khơi xông biển đầu năm. “12 thuyền viên sẽ đi cùng tui trong chuyến đầu tiên. Tất cả đã “lên dây cót”, chỉ chờ ngày lành để thẳng tiến ra Hoàng Sa” - thuyền trưởng Chiến hồ hởi nói.

Trước đó, từ mùng một đến mùng ba tết, biển miền Trung động dữ dội. Ngư dân lo lắng, sợ chuyến ra khơi đầu năm trắc trở. Thế nhưng trời chẳng phụ lòng người, mấy hôm nay biển êm, gió nhẹ. Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) Trần Ngọc Nguyên bộc bạch: “Năm nay ngư dân Lý Sơn có 120 tàu cá chuyên trị khơi xa trong tổng số 418 tàu của toàn huyện đảo. Hơn 3.000 ngư dân sẽ bám trụ, mưu sinh trên vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Theo ông Nguyên, hiện một số tàu cá của ngư dân Lý Sơn đã xông biển đầu năm nhưng chỉ là số ít. Còn lại tất cả tàu thuyền đang tập trung thi tài trong hội đua thuyền do huyện đảo tổ chức. “Cuộc đua tài trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, của linh khí đội Hùng binh Hoàng Sa một thời đi giữ đảo, cắm mốc. Sau hội đua thuyền, ngư dân Lý Sơn mới bắt đầu ra khơi” - ông Nguyên nói.

“Sói biển” Mai Phụng Lưu vẫn giữ phong độ với giọng nói đầy khí phách. Trước tết, tên của “Sói biển” được xướng lên giữa lòng thủ đô Hà Nội. Ông là một trong 21 tập thể và cá nhân được vinh dự nhận giải thưởng “Vinh quang Việt Nam” năm 2011 vì đã kiên trì bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa.

“Sói biển” tâm sự: “Với bất kỳ ngư dân nào chuyến đi biển đầu năm cũng vô cùng quan trọng. Cả đời tui sống vì biển, năm nay thuyền của tui vẫn xông biển Hoàng Sa đầu năm. Với tui, mỗi lần thuyền ra khơi là chỉ đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc”. Bắt đầu từ ngày 9 đến ngày 11-1 (âm lịch), tàu của “Sói biển” sẽ no đầy xăng dầu, lương thực, ngư cụ. Những “chiến binh” Lý Sơn can trường sau lễ cúng thần biển và làm lễ trước các hùng binh Hoàng Sa sẽ đạp sóng ra khơi.

Đặc sản cổ truyền dâng người mở cõi

Đầu năm xông biển Hoàng Sa ảnh 2

Đặc sản cổ truyền dâng lên tiền hiền mở cõi. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Đảo Lý Sơn có nhiều lò làm bánh ít lá gai. Tại lò bánh của bà Phạm Thị Phường ở thôn An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, phụ nữ tập trung đến gói bánh ít để kịp cung cấp cho các gia đình mang về cúng đầu năm. Đôi tay thoăn thoắt gói bánh, bà Phường cho biết: “Mỗi ngày làm cỡ 1.000 cái bánh, làm cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho bà con, nhất là những ngư dân xuất bến mở phiên biển đầu năm”.

Với người dân Lý Sơn, lễ vật cúng các hùng binh Hoàng Sa trước khi xuất bến bao giờ cũng có bánh ít lá gai. Không chỉ vậy, trong hành tranh đạp biển ra khơi đầu năm, người Lý Sơn cũng không quên mang theo lễ vật này để ra Hoàng Sa cúng tế những tiền hiền năm xưa có công mở cõi. Chuyện lễ vật bánh ít lá gai này gắn liền với câu chuyện lương thảo của những đội Hùng binh năm xưa mang theo mỗi lần ra trấn đảo Hoàng Sa.

Một ngư dân cho hay: Ông bà mình kể mấy trăm năm trước những người đi lính Hoàng Sa mang theo bánh ít trên thuyền, thành thử bây giờ mở phiên biển năm mới, ra đó cúng tế ông bà cũng bằng bánh ít.

Đến hỏi nhiều cụ già nhất trong làng về chuyện những chiến binh Hoàng Sa ngày đó ra khơi mang theo lương thực ăn uống thế nào, các cụ cho biết: “Hồi đó làm gì có lương khô như bây giờ. Ra đi Hoàng Sa thì ông bà mình phải mang theo bánh ít. Bởi vì cái thứ bánh ít nếu làm thiệt kỹ thì để đến hai tháng vẫn không bị thiu mốc gì hết. Lệnh triều đình là đi sáu tháng ra Cát Vàng mới về. Bởi vậy bây giờ mỗi lần ra khơi bà con ngư dân mới cúng bánh ít lá gai để tưởng nhớ các cụ lính Hoàng Sa ngày xưa. Nghi lễ này như một tục lệ bắt buộc của người dân đảo”.

Chiều 30 tết, những chiếc tàu được rửa sạch sẽ, cắm hương hoa xong xuôi, ông thuyền trưởng bắt đầu đặt một con gà lên sàn thuyền, hướng về phía mũi tàu khấn vái. Cuộc đời ra khơi, đối mặt với sóng gió nên thuyền trưởng luôn cầu cho con tàu vượt ngàn hải lý, đi về bình an, cá tôm chở nặng, sóng dữ hạ ngọn. Nếu ra Hoàng Sa thì cũng cúng trước rồi mới đánh lưới sau. Khi cúng thì báo cáo với tiên linh, ông bà Hoàng Sa rằng con cháu đã có mặt, mong ông bà phù hộ, độ trì cho con cháu làm ăn thuận thọ.

Còn nhớ trong những lần tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tại cầu cảng đón khách, một phụ nữ luôn miệng mời khách mua bánh ít. Bên cạnh chị là một thúng bánh ít tỏa hương thơm phức. “Ông bà mình đi Hoàng Sa mang theo bánh này, mấy chú ra dự lễ thì mua bánh để nhớ ông bà thời đó đi”. Chị còn gợi sự tò mò qua câu thơ dí dỏm: “Muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng ở đảo cho dài đường đi”.

Nhiều người tò mò khi nghe câu thơ là lạ. Bánh ít này nó có gì độc đáo mà chị em phải theo chàng ra đảo? Chị cười nghiêng ngả nói mọi người cứ mua ăn thử rồi sẽ có ngày phải quay lại Lý Sơn lần nữa cho coi…

Tiếp bước tổ tiên, giữ gìn biển, đảo

Đầu năm xông biển Hoàng Sa ảnh 3

Ngư dân Mai Phụng Lưu kính cẩn thắp hương tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh do ông Mai Phụng Lưu cung cấp.

Ngày tết, người dân đảo Lý Sơn cúng từ 30 đến mùng bốn. Theo tục lệ, sáng cúng cơm, chiều cúng bánh. Mỗi gia đình ít nhất phải mua 200 bánh ít để cúng tổ tiên ông bà và tiền hiền mở cõi Hoàng Sa trong ngày đầu năm. Sau tết, mỗi chiếc thuyền mang bánh ra khơi. Tại đảo Hoàng Sa, các ngư dân lên đảo Bạch Quy dâng bánh, thắp hương, đốt giấy tiền, khấn vái các vị. Một ngư dân khẳng định: “Cả trăm năm rồi nhưng mấy ông Hoàng Sa hồi đó vẫn hiển linh. Mình có lòng thành khấn vái thì thế nào cũng được phù hộ”.

Hiện phía tây của đảo Ông Già (thuộc quần đảo Hoàng Sa) vẫn còn hai ngôi mộ. Theo các ngư dân, đây chính là mộ của các cụ đi lính Hoàng Sa ngày xưa. Đây là một hòn đảo rất nhỏ, hoang vắng...Ra biển, khi ghé ngang đảo Ông Già, các ngư dân thường mang bánh ít lên đảo và kính cẩn thắp hương tưởng nhớ.

Ông Mai Phụng Lưu và nhiều ngư dân kể lại: Lên đảo, gặp mấy người Trung Quốc đang làm trại để bắt rùa biển, nuôi cá, họ cho biết hai ngôi mộ đó là mộ của dân Việt Nam xưa kia, rất linh thiêng. Những người trên đảo phải thường xuyên cúng bái, nếu không sẽ gặp chuyện chẳng lành. “Với ngư dân Lý Sơn, chuyến xuất bến mở biển đầu năm nào ra Hoàng Sa chúng tôi cũng đều ghé đảo cúng các cụ. Biển của mình, đảo của mình, ông bà tổ tiên mình nằm đó, bổn phận cháu con phải kính nhớ tổ tiên và giữ gìn tấc đất của cha ông để lại” - ông Mai Phụng Lưu nói.

Đầu xuân, đảo Lý Sơn ào ạt những cơn gió nồm xuôi ra Hoàng Sa. Lẫn trong mùi gió biển thơm nồng, mùi vị của bánh ít lá gai luôn thoang thoảng. Bánh ít để dân làng đặt lên bàn thờ cảm tạ các vị thần linh phù hộ cho dân làng, “nông đắc tài, ngư đắc lợi, một năm bình an, mưa thuận, gió hòa”. Ngày trước, ông bà trên đảo có câu: “Tháng 2 theo gió nồm ra đi (Hoàng Sa), tháng 8 theo gió bấc nhớ mà xuôi về”. Và giờ đây, những con tàu lại tiếp tục xuôi ra Hoàng Sa. Ra khơi, các ngư dân chia sẻ hương vị quê cha đất tổ với những chiến binh nằm đâu đó giữa trùng khơi.

LÊ VĂN CHƯƠNG - LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm