Đặt vấn đề ai là cha đẻ chữ quốc ngữ là không khoa học

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hội thảo sẽ đề cập đến những nội dung như “làm rõ chữ quốc ngữ thực sự do ai sáng tạo”, “nhiều nghiên cứu cho rằng người sáng tạo ra chữ quốc ngữ không phải là Alexandre de Rhodes mà là linh mục Francisco de Pina”. Việc nghiên cứu lịch sử chữ viết mà chúng ta đang dùng ngày nay là một vấn đề vô cùng rộng lớn, cần có nhiều công trình, hội thảo nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu hội thảo đặt ra những nội dung như ông Lê Văn Thanh nêu thì dường như việc nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ đang đi thụt lùi.

Thực ra vấn đề trên trước đây được nhiều tác giả dày công nghiên cứu. Trước năm 1975 có thể kể đến các tác giả như Đỗ Quang Chính, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng. Sau này có các nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, Võ Long Tê, Nguyễn Phước Tương, Hoàng Tiến... Có thể thấy chung một điều rằng trên 40 năm trước và cả sau này, hầu hết nhà nghiên cứu đều đã minh định rằng: Chữ quốc ngữ là một “công trình tập thể” do các giáo sĩ phương Tây, cụ thể là các linh mục Dòng Tên ở Việt Nam, với sự cộng tác âm thầm của một số thầy giảng Việt Nam tạo ra vào thế kỷ XVII.

Trong số nhiều nghiên cứu, có một công trình nghiên cứu theo tôi là đầy đủ nhất đó là cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của linh mục Đỗ Quang Chính, SJ (1929-2012) do Antôn & Đuốc Sáng ấn hành năm 1972, NXB Tôn giáo tái bản năm 2012.

Trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở châu Âu, tác giả đã đến các văn khố, thư viện ở La Mã, Madrid, Lisboa, Paris, Lyon, Avingon, tiếp cận được nhiều tài liệu viết tay của chính các giáo sĩ ghi chép từ Việt Nam gửi về. Qua đó ông làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử chữ viết của chúng ta ngày nay.

Theo linh mục Đỗ Quang Chính, trong số các nhà truyền giáo tới Việt Nam thì linh mục Francisco de Pina là người đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Ngay từ năm 1620, ông và các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một cuốn sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong” (tức chữ Nôm). Cuốn sách này vì soạn bằng chữ Nôm nên chắc chắn phải có sự cộng tác của người Việt. Từ giai đoạn này, trong các bản báo cáo viết tay của nhiều linh mục khác, những chữ viết tiếng Việt đầu tiên đã xuất hiện trộn lẫn trong văn bản tiếng Bồ, chẳng hạn như Sinoa: Xứ Hóa; Unsai: Ông sãi...

Từ lâu rồi, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng tác ra chữ quốc ngữ. Ở giai đoạn năm 1636, cách ký âm chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes cũng không giống với các linh mục khác. Thật ra, công lớn nhất của ông là góp một phần trong việc soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên. Đó là cuốn tự điển Việt - Bồ - La và cuốn Phép giảng tám ngày. Trong lời tựa của cuốn tự điển, Alexandre de Rhodes cũng ghi rõ là ông đã học tiếng Việt với linh mục Pina.

Sau khi hai cuốn sách của Alexandre de Rhodes ra đời, còn có các tài liệu viết tay của hai thầy giảng người Việt Nam. Đó là bức thư của thầy giảng người Việt là Igesico Văn Tín, thư và cuốn sách Lịch sử nước Annam của thầy giảng Bento Thiện. Tài liệu quý giá này linh mục Đỗ Quang Chính đã chụp lại được tại Văn khố Dòng Tên tại Roma (được in nguyên bản trong sách). Các tên thật của các thầy đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ vì tên ký trên văn bản được ghép bởi tên thánh và tên gọi.

Những bằng chứng chứng minh chữ quốc ngữ được sáng tác do nhiều người cùng góp sức đã quá rõ. Chẳng lẽ 44 năm sau, các nhà nghiên cứu vẫn còn mù mờ đi tìm xem đó là công trình của Francisco de Pina hay của Alexandre de Rhodes? Trong khi còn nhiều vấn đề khác như tên của những người Việt Nam đã cộng tác với các giáo sĩ để đặt nền tảng cho chữ quốc ngữ là gì, những ai đã góp sức hình thành, công sức đóng góp của từng người ra sao, ai là người có công nhất trong việc sáng tác chữ quốc ngữ... đáng để tìm hiểu hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm