Đặt tên đường phố - cần cởi mở

Đặt tên đường phố - cần cởi mở ảnh 1

Thiếu mất tấm bảng chú thích dưới tên đường, phố sẽ làm những cái tên mất ý nghĩa. Cần cởi mở hơn trong việc đặt tên đường, phố. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã có cuộc trao đổi với PV.

Phóng viên: Thưa ông, tên đường phố Hà Nội được đặt theo nguyên tắc nào?

- Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Cách đặt tên của ta là theo cách của người Pháp. Một là giữ nguyên tên của địa phương nhưng dịch sang tiếng Pháp. Suốt 60 năm Pháp thuộc tên phố đều là tên bằng tiếng Pháp cả. Dù biển kẻ hay trong giấy tờ hành chính đề tên phố bằng tiếng Pháp (tên đó được dịch từ tên Việt) nhưng dân ta vẫn gọi theo tên cổ.

Như phố Hàng Gai, người Pháp gọi là Chanvre, Hàng Than gọi là Charbon, Hàng Vôi gọi là Chaux... Hai là, đặt tên đường phố theo tên người Pháp, như phố Lê Duẩn ngày nay của ta thời tạm chiến, nó có tên là De Lattre de Tassigny. Nhưng sau khi giải phóng không dùng tiếng Pháp nữa. Và những tên cổ mà Pháp dịch sang tiếng họ thì ta khôi phục. Còn tên người Pháp ta đổi hết. Nhưng hỏi bất kỳ ai dù là người sống ở chính con phố đó về ý nghĩa của cái tên của nó phần lớn đều không biết, hay chỉ láng máng.

Chính vì thế cần có một tấm biển nhỏ có chú thích ngay dưới cái tên phố. Như vậy, cũng là cách để nhớ sử rất hay. Ở Hà Nội đã có cách đặt tên đường, phố mang tên một sự kiện lịch sử.

 Đường phố lớn lấy tên một danh nhân, và xung quanh đó là tướng, hay sự kiện của một thời đó. Như đường Trần Hưng Đạo, xung quanh có ngõ Vạn Kiếp, Dã Tượng, Yết Kiêu, Trần Bình Trọng, Nguyễn Chế Nghĩa... là những địa danh hay tên những tướng lĩnh gắn với Trần Hưng Đạo và cuộc khởi nghĩa chống giặc Nguyên Mông. Hoặc tên những người chống Pháp như phố Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương... đều có ý tưởng như vậy. Cách đặt này rất hay nhưng tiếc là thiếu mất bảng chú thích cho những cái tên đầy ý nghĩa này.

Nếu chỉ dựa vào hai nguyên tắc đó để đặt tên đường, phố thì liệu có bị gò bó quá? Sao ta không cởi mở hơn trong việc đặt tên đường, phố, thưa ông?

Hà Nội đã có những tên phố gọi theo đặc thù nghề nghiệp như phố Hàng Than, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Muối.... Hay phố Hòe Nhai là phố mang tên làng trước kia trồng hòe. Thậm chí, ta nên đặt tên đường, phố theo tên địa phương. Đường phố đi qua làng nào thì đặt tên làng đó để con cháu biết làng xưa nó có tên như thế. Nhưng vẫn còn đó những đường phố mà tên gọi gượng gạo, thiếu đi sự thanh lịch...

Phố Gầm Cầu, phố Lò Lợn là những phố không tiêu biểu, không có di tích gì. Rồi những ngõ phố mang tên những người chủ đất làm nhà cho thuê như Mỹ Ký, Hoàng An, Thuận Thành... không mang ý nghĩa gì, thiếu đi sự thanh lịch. Những tên này nên đổi.
Hà Nội hiện đang có tình trạng lúc thì gọi là phố, khi lại gọi là đường.

Đường chỉ những tuyến đường đi ra ngoại thành và chưa đủ hạ tầng. Còn phố có nhà cửa ken đặc, đầy đủ hạ tầng. Nhưng nó cũng không phải là quy định thống nhất. Như Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám như nhau cả, nhưng Thụy Khuê lại gọi là phố còn Hoàng Hoa Thám gọi là đường chẳng hạn. Cho nên, việc gọi đường, phố chỉ là tương đối theo cách của người Pháp. Đường - người Pháp gọi là route - là những con đường đi ra ngoại thành. Phố - rue - là những phố xá tập trung ở đô thị, nhà cửa san sát, đầy đủ hạ tầng.

Theo LÊ NGUYỄN ( Người Đô Thị)

NDT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.