Dằng dai vụ lập hồ sơ khống lấy đất của dân

Đầu năm 2007, cơ quan chức năng đã đã tổ chức lực lượng thực hiện việc cưỡng chế, phá căn lán trên khu đất gần 500 m2 của bà Trần Thị Thỏa ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Không đồng ý với việc làm này, bà Thỏa đã phản ứng gay gắt với lực lượng.

Án tù vì giữ đất

Theo nhiều người dân, khi đoàn cưỡng chế do chủ tịch phường Đông Khê chỉ huy tiến vào khu đất thì bà Thỏa lao ra chắn trước mặt ông chủ tịch, la lớn: “Đất của tôi chưa được bồi thường, tôi làm lán trông giữ hà cớ gì đòi phá?”. Bỏ mặc bà kêu gào, đoàn cưỡng chế cho máy phá căn lán. Thế là bà Thỏa nổi xung, vung tay chỉ vào mặt chủ tịch phường chửi: “Mày lấy đất của tao, cướp tiền của tao chia nhau. Mày ăn mồ hôi, nước mắt của tao…”. Vì sự phản kháng này, bà bị tạm giữ.

Theo hồ sơ, năm 1993, bà Thỏa mua lại của người khác mảnh đất trên để trồng lúa, thả cá. Ba năm sau, HTX Nông nghiệp Đông Khê sang tên và giao sổ thuế nông nghiệp cho bà. Đến năm 2000, khu đất của bà rơi vào dự án Ngã 5-sân bay Cát Bi. “Khi ấy tôi không thấy ai thông báo thu hồi đất. Tôi có hỏi phường nhiều lần và họ trả lời là đất của tôi chưa bị thu hồi. Ai dè tháng 8-2002, thấy đất bị san lấp, tôi mới biết bị gạt. Sau đó họ đưa máy xúc đến nên tôi đã ngăn cản. Khi ấy họ đưa tôi về công an phường giữ ở đó cho đến khi con tôi bảo lãnh. Còn mảnh đất thì bị san phẳng làm khu tái định cư cho dự án” - bà kể.

Dằng dai vụ lập hồ sơ khống lấy đất của dân ảnh 1

Mảnh đất nông nghiệp gần 500 m2 của bà Thỏa bị lập hồ sơ khống để thu hồi nay đã thành khu tái định cư. Ảnh: HH

Sau đó, thấy khu đất bỏ trống, bà dựng rào tre, trồng cây “tái chiếm”, đồng thời đi khiếu nại khắp nơi. Khi biết khu đất sẽ được cấp cho bảy hộ khác làm nơi tái định cư, bà dựng lên đó một căn lán. Vì xây trái phép nên phường xử phạt, buộc tháo dỡ công trình nhưng bà không tháo dỡ vì chưa được bồi thường. Tiếp đến, phường ra quyết định cưỡng chế để rồi hai năm sau mới tổ chức thi hành và xảy ra việc phản kháng như trên.

Với hành vi phản kháng việc cưỡng chế, chửi bới chủ tịch phường, bà đã bị tòa phạt 12 tháng tù treo về tội làm nhục người khác. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Ngô Quyền ra quyết định khai trừ bà ra khỏi Đảng.

Phường đã lập hồ sơ khống

Khi đi khiếu nại, bà Thỏa bất ngờ phát hiện mảnh đất đã bị lập khống hồ sơ để thu hồi. Số là năm 2004, bà tiếp tục ngăn cản những hộ được cấp tái định cư tới làm nhà trên khu đất, quận mời bà đến họp. Tại đây, quận đưa ra hồ sơ bồi thường. Trong đó, tờ khai và biên bản kiểm kê thu hồi đất ngày 27-10-2000 ghi tên bà, có đầy đủ chữ ký cán bộ ban quản lý dự án, phường, quận và… chữ ký của bà. Đến đây bà mới biết người ta đã ngụy tạo hồ sơ để lấy đất của bà!

Bà làm đơn tố cáo hành vi lập hồ sơ khống lên công an. Tháng 8-2007, công an xác định ông Trần Hoàng Long, cán bộ Ban Quản lý dự án Ngã 5-sân bay Cát Bi, tự viết tờ khai thu hồi đất của bà là trái nguyên tắc!

Thế nhưng, phía chính quyền, UBND quận Ngô Quyền khi ấy lại khẳng định khu đất nông nghiệp của bà đã được kê khai, kiểm kê và không đủ điều kiện được đền bù. Công an TP Hải Phòng cũng có văn bản cho rằng việc chuyển nhượng đất giữa bà với chủ cũ là trái luật, không thuộc diện bồi thường! Bà lại khiếu nại tiếp đến TP Hải Phòng và trung ương.

Dằng dai vụ lập hồ sơ khống lấy đất của dân ảnh 2

Bà Thỏa phân trần việc mình bị lấy đất. Ảnh: HH

“Sau phiên tòa bị kết án treo, tôi bị sốc nặng. Tới khi bị khai trừ đảng, tôi bị một cơn nhồi máu cơ tim, quỵ hẳn. Ba người con khuyên tôi không nên khiếu kiện nữa. Chúng la tôi, bảo tôi đừng đấu tranh, có gì xảy ra là khổ cả nhà. Nhưng khi khỏe lại, tôi lại trốn con lên Hà Nội gửi đơn… Rốt cuộc, năm 2009, TP Hải Phòng đã thanh tra và đề nghị Thanh tra Chính phủ cho ý kiến, tôi lại tìm tới trụ sở Thanh tra Chính phủ. Khi nghe ngọn nguồn, vị cán bộ thanh tra đã hỏi tôi rất nhiều, hỏi từng chi tiết trong hồ sơ, nhất là chi tiết người ta mạo chữ ký của tôi. Hỏi xong, ông bảo sẽ xử lý công tâm. Ít ngày sau, Thanh tra Chính phủ có văn bản khẳng định tôi phải được bồi thường đất nông nghiệp, yêu cầu TP Hải Phòng giải quyết thấu tình đạt lý” - bà kể.

Thế nhưng hơn hai năm nay vẫn chưa ai giải quyết việc bồi thường cho bà.

Mới đây, khi chúng tôi quay lại nhà tìm bà thì con trai bà nói bà vừa lên trụ sở tiếp dân. Ngồi chờ hồi lâu, chúng tôi thấy bà lóc cóc đạp xe về. “Tuần nào tôi cũng đảo qua trụ sở tiếp dân của TP Hải Phòng hai lần. Từ lâu rồi, họ bảo đang xem xét giải quyết sự việc của tôi nhưng đến nay sự việc vẫn chẳng “nhúc nhích” gì cả” - bà Thỏa nói.

Tháng 4-2008, chi bộ An Đà Nội, phường Đằng Giang (nơi bà Thỏa đăng ký hộ khẩu) họp xem xét kỷ luật đảng viên Trần Thị Thỏa. “Tôi đọc bản kiểm điểm chỉ rõ cán bộ phường, quận lập hồ sơ khống thu hồi đất nên đã khiếu nại khắp nơi nhưng chẳng ai giải quyết. Nếu chủ tịch phường Đông Khê làm đúng chủ trương, trình tự thu hồi đất thì làm sao tôi dám chửi…” - bà nói.

Tại cuộc họp này, cả chi bộ đều nhận xét bà Thỏa đã bị dồn vào chân tường nên bức xúc, hành động thiếu kiềm chế. Khi bỏ phiếu, chỉ có ba đảng viên đồng ý kỷ luật khiển trách, 24/27 đảng viên còn lại bỏ phiếu không tán thành kỷ luật. Chi bộ còn thống nhất kiến nghị cấp trên xem xét, làm rõ đúng sai việc mất đất, mất tiền của bà Thỏa, xem lại việc xét xử của tòa án…

Ông Trần Luyện, nguyên Bí thư chi bộ An Đà Nội, nói: Với những tài liệu bà Thỏa cung cấp, ai cũng nhận ra việc chính quyền lập hồ sơ khống thu hồi đất khuất tất. Việc thu hồi đất mà không hề thông báo, không kê khai, kiểm kê bồi thường như quy định càng sai. Tôi vốn là một điều tra viên nghỉ hưu nên nhận thấy quá trình điều tra, xét xử mà không xem xét nguyên nhân là không toàn diện, khách quan. Lấy đất của người ta, đẩy người ta đi tù lại khai trừ một đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng là bất công.

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm