Đại biểu QH lên tiếng việc bổ nhiệm ‘hot girl’ siêu tốc

Sáng 9-11, Quốc hội (QH) thảo luận việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nhiều đại biểu (ĐB) đã nêu những vấn đề cụ thể, kể cả trong vấn đề ưu ái, bổ nhiệm cán bộ nữ. Cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng đàn ông cũng bị bạo hành.

Đàn ông bị bạo hành, “cấm vận”

ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) là người đề cập đến vấn đề này khi nêu ý kiến về bình đẳng giới. Trước khi đề cập tình trạng đàn ông bị bạo hành, ĐB Tuấn đề nghị xem lại vấn đề phái yếu, phái mạnh trong bình đẳng giới.

“Có quan niệm cho rằng phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ, bênh vực phụ nữ, như vậy cũng chưa đúng. Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ” - ĐB Tuấn nói.

Theo ĐB Tuấn, khi nói về bạo hành gia đình, nạn nhân không chỉ có phụ nữ và trẻ em, thực tế có những nạn nhân bị bạo hành là nam giới. “Bị vợ con hắt hủi, bị “cấm vận”, thậm chí bị đánh nhưng trong những trường hợp này, do sĩ diện nên ít người đàn ông nào nói ra và xã hội cũng chưa thực sự quan tâm” - ĐB Tuấn nêu vấn đề.

ĐB Tuấn khẳng định phụ nữ hiện nay trên nhiều lĩnh vực không hề thua kém đàn ông, nhất là về tuổi thọ. “Tôi xin khẳng định lại là phụ nữ không yếu, nếu trước kia là phái yếu thì theo tôi, hiện nay phụ nữ là phái đẹp” - ĐB Tuấn kết luận.

Báo động về tỉ lệ nam/nữ

Cũng liên quan đến… đàn ông nhưng ở góc độ mất cân bằng giới tính, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cảnh báo: “Nước ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Nếu năm 2006 tỉ lệ nam/ nữ là 109/100 thì năm 2017 dự báo là 113/100, tỉ lệ mất cân bằng tăng lên rất nhanh”.

Dẫn ra những nghiên cứu tại Ấn Độ, Trung Quốc, ĐB Yến cho rằng: “Nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, phải tìm cô dâu là người nước ngoài làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, tăng tỉ lệ mại dâm, hiếp dâm. Đây là những hậu quả có thể phòng, tránh được nếu chúng ta có những giải pháp tích cực ngay từ hôm nay” - ĐB Yến nói.

Một khía cạnh khác mà ĐB Yến đề cập là chính sách về chăm sóc sức khỏe chủ yếu được nhắm tới giới nữ mà chưa hướng đến chăm sóc sức khỏe tình dục cho nam giới. “Các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản dành cho nam giới chưa được phát triển… như vấn đề hiếm muộn, vấn đề vô sinh hay như nhu cầu về sinh lý thay đổi theo từng độ tuổi, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục” - ĐB Yến cho hay.

Bổ nhiệm “hot girl” siêu tốc

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cấp ủy, chính quyền một số địa phương bộ, ngành - nhất là người đứng đầu - còn chưa thực chất quan tâm tới nữ giới và tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn ở trong một bộ phận lãnh đạo.

Tuy nhiên, ĐB Khánh lại nêu một vấn đề khác là nhiều nơi lại chỉ… trọng nữ. “Thực tế dư luận, báo chí và cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy đảng ở các địa phương có những biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ. Vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có nên (họ) chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch bổ nhiệm “hot girl” siêu tốc vào vị trí quản lý, lãnh đạo” - ĐB Khánh nói.

Từ đó ĐB Khánh đề nghị Chính phủ, QH quan tâm đến vấn đề này. Bởi nếu không xử lý nghiêm minh thì điều này sẽ trở thành một tiền lệ rất nguy hiểm, dẫn đến vi phạm pháp luật, coi thường phụ nữ, coi phụ nữ chỉ để đáp ứng những dục vọng tầm thường của mình.

“Điều này vô hình trung tạo ra một lối sống thiếu lành mạnh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, dẫn đến sự bất an, lo sợ cho chính chị em, nhất là phụ nữ trẻ, gây bất bình dư luận xã hội. Ví dụ trường hợp ở Thanh Hóa, đến bây giờ chúng tôi cũng không biết là cô gái trẻ ấy đã đi đâu. Đây không biết là quan tâm, tạo thuận lợi hay là hại chị em phụ nữ” - ĐB Khánh đặt vấn đề.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nói: “Một số chính sách quy hoạch bổ nhiệm, luân chuyển khi xây dựng đều căn cứ trên tuổi nghỉ hưu cho nên cơ hội của phụ nữ bị hạn chế. Hoặc vì nhiều lý do khác nhau, cơ hội để phụ nữ trúng cử cũng thấp hơn. Trong bầu cử QH khóa XIV vừa qua, số liệu cho thấy cơ hội trúng cử của nam ứng cử viên là 68,4% và của nữ chỉ là 39,2%”.

Từ đó ĐB Hà đề nghị cần quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ dài hạn. Có các giải pháp mạnh mẽ hơn trong công tác cán bộ nữ và quan tâm, hỗ trợ trẻ em gái. “Trong bối cảnh ở Việt Nam, khi phụ nữ đang gặp nhiều khó khăn thì các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để tiến tới sự công bằng giới đóng vai trò quyết định trực tiếp đến thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta” - ĐB Hà nói.

Điểm tựa vững chắc của gia đình

Đại biểu QH lên tiếng việc bổ nhiệm ‘hot girl’ siêu tốc ảnh 2
Bộ trưởng ĐÀO NGỌC DUNG

Với một lực lượng trên 50% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam đã có mặt ở mọi lĩnh vực, địa bàn và chủ động tham gia hoạt động đời sống xã hội, thực hiện tốt các chương trình, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phụ nữ còn làm tốt vai trò của người mẹ, người vợ, là điểm tựa vững chắc trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Phụ nữ đang đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Hiện nay chúng ta đã có gần 40% nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ; tỉ lệ các nhà khoa học nữ đạt 6%, tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm