Cùng BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mở cửa sau dịch sợ gì?

Nói về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, BS Trương Hữu Khanh (Nguyên trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM) khẳng định việc tiêm ngừa giúp giảm lây nhiễm, khó trở nặng và gần như rất khó tử vong. "Giải quyết theo kiểu cách ly là thời chủng Alpha, chủng Delta sau này là vaccine" - BS nói. 

Tuy vậy, sau khi tiêm mũi 2, F0 vẫn có thể bị nặng tùy vào thể trạng. Ví dụ như trong trường hợp F0 có bệnh nền như ung thư, suy thận, suy gan giai đoạn cuối,…  

Theo BS Khanh, khi mở cửa, người dân cần phải biết mình đi đâu, về đâu và không phải sợ F0 nếu đã chích ngừa đủ 2 mũi vaccine. Tuy vậy, nếu F0 lây cho người chưa tiêm ngừa tại nơi làm việc sẽ khiến cho công ty mất nhân lực. Đó là nỗi sợ thứ nhất khi mở cửa.

Do vậy, BS khuyến khích công ty nên cách ly nhân viên F0 tại nơi làm việc và tiếp tục công việc. Toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang vì không biết đồng nghiệp đối diện có phòng dịch tốt hay không, hạn chế ăn uống chung, ai ở đâu ở yên chỗ đó. 

Với biến thể Delta, thường F0 sẽ phát bệnh sau 7 ngày, thời gian ủ bệnh ngắn. Do vậy, trong vòng 7 ngày đầu tới nơi làm việc, người dân phải nghiêm chỉnh đeo khẩu trang để đảm bảo nếu nhiễm bệnh sẽ không lây cho đồng nghiệp.

BS lý giải: "Người mang bệnh đeo khẩu trang rất khó lây cho người khác, đặc biệt là người đã chích ngừa. Xác suất mắc bệnh sẽ giảm xuống. Nếu có 1 F0 cũng đừng cuống lên, F0 chỉ lây gần ở F0. Đây là việc không thể tránh trong lúc hòa nhập.

Trường hợp F0 đi lung tung, lây cho nhiều người mới dễ mất nhân sự, mất công điều tra. Nếu ai ở yên chỗ đó thì không lo, bệnh chích ngừa rồi thì xác suất khỏi bệnh cao, nếu ai nhiễm thì cũng đã nhiễm rồi, cứ tiếp tục đeo khẩu trang làm việc".

Nỗi sợ thứ hai là lây nhiễm trong quá trình ăn uống tại quán. Do vậy, BS Khanh khuyên nếu đi theo nhóm bạn, nhóm đồng nghiệp thì nhóm trưởng phải khảo sát trước xem cả nhóm đã tiêm ngừa hay chưa. Dựa vào đó, mỗi thành viên hãy xác định gia đình mình có bao nhiêu người thuộc nhóm nguy cơ cao (người béo phì, người cao tuổi, người có bệnh nền) để quyết định có đi với nhóm đó hay không để phòng bệnh cho gia đình.

Khi đi ăn cùng gia đình (trường hợp mọi người sống cùng nhau trong mấy tháng nay và không tiếp xúc với ai trong 2 mét), mọi người không tiếp xúc gần với người khác tại quán (trừ các thành viên trong gia đình) hoặc nên đặt phòng riêng.

Đảm bảo được điều đó, BS Khanh nói: "Nhân viên đưa đồ ăn tới phải đeo khẩu trang. Thành viên trong gia đình bước ra khỏi bàn ăn cũng đeo khẩu trang thì không thể lây được". Điều này cũng tương tự như đi với nhóm bạn bè, đồng nghiệp.

Với quan điểm sợ lây nhiễm khi mở cửa, BS khuyên rằng: "Sau một thời gian dài giãn cách, một người muốn có cảm giác được ngồi ở quán nào đó là hết sức bình thường. Sống phải giao lưu, phải có bạn bè. Việc an toàn tuyệt đối sẽ không có, chúng ta đã làm hết sức rồi. Do vậy, nếu ai sợ lây nhiễm thì đừng đi. Thời gian tới, nó sẽ trở thành 1 virus thông thường. Người dân đã chích 2 mũi vaccine phòng COVID-19 ở một tỉ lệ nhất định thì nên mở cửa". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm