Cùng 'Ẵm rùa con ra biển lớn'


Ngày 10-6, nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam đã tổ chức một chương trình hết sức ý nghĩa mang tên “Ẵm rùa con ra biển lớn”, thu hút đông đảo các gia đình có con nhỏ tham gia. Chương trình được tổ chức ở bãi biển thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), đây là nơi duy nhất tại đất liền Việt Nam mà rùa vẫn thường xuyên lên sinh sản.

Nói là “ẵm”, nhưng thực ra các em nhỏ đã đứng bên cổ vũ cho những chú rùa con về với biển theo cách tự nhiên. Các em chỉ đứng bên cạnh, nhìn những chú rùa con bò trên cát hướng về phía biển và hòa mình vào dòng nước.

Trước khi thả rùa về với biển, các em nhỏ có khoảng 30 phút để chơi với những chú rùa con này

Không ít em luôn miệng hò hét, cổ vũ, dặn dò những chú rùa với lời chào dễ thương: “Chào rùa, rùa về với biển ngoan nhé. Chúc mừng bạn”. Cả bố mẹ đã cùng các con trải qua những giờ phút vui vẻ khi tận mắt nhìn, nâng niu những chú rùa còn bé xíu và thả chúng về với biển.

Bé Nam (9 tuổi) rất tinh nghịch, mải miết chơi với những chú rùa con, em hay bắt con rùa lên rồi nhìn rất kỹ, đặt câu hỏi liên tục. “Nhìn rùa con đẹp quá chừng, cái mai rùa màu đen đẹp quá, con thích lắm”, Nam háo hức.

Còn bé gái Lan Anh ban đầu hơi sợ khi thấy bầy rùa bò ra khỏi hũ nhựa, nhưng khi đã dần quen thì bé mê luôn. “Nó nhỏ xíu à nhìn cưng lắm, vừa tay con luôn nè. Đáng yêu quá chừng”, Lan Anh cười sảng khoái.

Tò mò nên cứ bốc rùa con lên rồi thả xuống, rồi lại bốc chúng lên...

Anh Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học đồng thời là người đứng ra thành lập nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam, chia sẻ anh muốn những đứa trẻ có thể trở về, sống chung và gần gũi với thiên nhiên hơn nữa. Đây là một trong những hoạt động mà nhóm thường tổ chức để các em nhỏ hiểu rõ giá trị của loài rùa, có thêm kiến thức về các hiện tượng tự nhiên của rùa, góp phần bảo vệ loài rùa biển quý hiếm này.

Hằng năm, rùa mẹ lên bờ đẻ từ tháng 6 đến tháng 9. Trứng rùa mất từ 48 đến 55 ngày mới nở ra rùa con.

Tham gia vào chương trình lần này, các em nhỏ không chỉ giúp những chú rùa con mới nở ra với biển lớn. Nếu có cơ hội, các em còn có thể được canh xem rùa mẹ lên bờ đẻ trứng (tùy thuộc vào tự nhiên).

Ngoài ra, các bé còn được học về phân loại các loài rùa biển tại Việt Nam và tại sao phải bảo tồn loài rùa biển.  Sau đó, các em sẽ làm bài kiểm tra, nếu bài đạt kết quả đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận "Đã hoàn thành khóa cứu hộ rùa đẻ" do VQG Núi Chúa cấp, có giá trị quốc tế.

Dưới đây là một số hình ảnh của các em nhỏ tham gia thả rùa về với biển:

Từ VQG Núi Chúa ra bãi thả rùa phải đi qua những đoạn đường núi khá dốc nhưng các gia đình và bạn nhỏ rất hào hứng...

Chú rùa con nằm ngoan trong hũ nhựa...

Chú rùa sau khi nghịch cát xong thì được một bạn nhỏ ẵm trên tay

Em nào cũng khoái chí khi được nhìn tận mắt, sờ tận tay những chú rùa con...

VQG Núi Chúa là nơi duy nhất tại đất liền Việt Nam mà rùa vẫn thường xuyên lên đẻ...

Hai anh em nghịch rùa, cô em gái còn sợ nên e dè. Anh trai thì mạnh dạn hơn, cứ hí hoáy ẵm con rùa bên hũ của em lên...

Rùa của anh, rùa của em, con nào to hơn...

Chú rùa nhỏ gây sự tò mò cho những đứa trẻ thành phố...

Bé Nam (9 tuổi) cứ lật ngược rồi lật xuôi chú rùa coi miết, mà không biết đang thắc mắc cái gì nữa...

Những chú rùa con quý hiếm vẫn đang được các nhân viên của VQG Núi Chúa bảo tồn...

Dàn thành hai hàng, đứng cổ vũ để những chú rùa tự tìm đường về với biển...

Tập trung để cổ vũ cho những chú rùa tự về với biển, hễ có chú rùa nào vừa chạm đến mực nước biển là gởi lời chào tạm biệt rất dễ thương

Chú rùa trên đường về với biển...

Những chú rùa con về với biển cả...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.