Cụ ông 87 tuổi bị ung thư viết sách siêu tốc

Thật khó tin rằng ông đã 87 tuổi, lại mang trong mình căn bệnh ung thư hơn bảy năm qua nhưng mỗi ngày ông đều dậy sớm để nghe nhạc và viết sách.

Về cuốn sách đầu tiên, ông hoàn thành khi ông vừa từ bệnh viện trở về. Từng là một người mạnh khỏe, lạc quan, cơn bạo bệnh khiến ông suy nghĩ: “Thời gian không còn nhiều nữa, có nhiều câu chuyện và tình cảm ba đã kể rồi nhưng sợ con gái sẽ quên, chi bằng viết một cuốn sách cho con”. Ông bắt đầu dùng máy vi tính để kể lại thời tuổi trẻ sôi nổi của mình, một học sinh miền Nam được đưa ra miền Bắc rồi sang Trung Quốc học tập. Cuốn sách gửi gắm vào đó tất cả tình cảm của mình dành cho con và những người còn trẻ. Sau một năm ông miệt mài viết, sách được NXB Trẻ xuất bản năm 2015, tái bản nhiều lần với tên Khi Tổ quốc gọi tên mình.

Ông đang chuẩn bị ra mắt cuốn sách thứ hai với giọng văn và tấm lòng sôi nổi tuổi 20.

Thích nhạc trẻ, gõ vi tính cực siêu

Nhiều người hỏi ông có cảm thấy vất vả khi viết sách ở tuổi 87 không, ông cho biết ông chỉ thấy vui chứ không thấy mệt. Mỗi ngày ông dậy sớm tập thể dục rồi ngồi vào bàn viết. Việc viết sách thúc đẩy ông đọc sách nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn, lắng nghe cuộc sống nhiều hơn.

Ông nhiều lần tự bắt xe đò về Bến Tre, về Đồng Tháp để gặp những cựu chiến binh và những người từng đi tập kết. Gia đình lo lắng cho sức khỏe của ông nhưng ông luôn trấn an: “Tôi đi khắp Nam Bắc không chết, chẳng lẽ đi từ đây xuống Bến Tre lại bị sao? Giờ xe giường nằm tiện nghi, thoải mái vậy, có gì đâu mà lo”.

Ông lắng nghe những người cựu chiến binh kể về cuộc đời mình. Ông dành thời gian ngồi cà phê cóc nghe những người trẻ bình luận về thời cuộc. Ông vui vẻ tham gia cùng họ, chia sẻ những bất an, những mâu thuẫn của họ với cuộc sống. Ông lặng lẽ gieo cảm xúc yêu nước với mọi người qua những cuộc trò chuyện như thế, và bây giờ là gửi gắm qua những trang sách. Mỗi khi nhận được một phản hồi từ người trẻ, ông lại trở về bàn viết, ngồi thêm nhiều giờ để viết. Ông nói: “Các cháu cảm nhận về tuổi trẻ của cha ông mình được bao nhiêu cũng được. Nhưng tôi hy vọng ít nhất là các cháu sẽ chọn cách sống sôi nổi, cống hiến”.

Cuốn sách đầu tiên ông viết trong một năm. Cuốn sách thứ hai này ông đã hoàn thành bản thảo chỉ trong ba tháng. Ông gõ máy vi tính rất nhanh, dùng các phần mềm ghi âm chuyển qua văn bản thành thạo. Ông nói rằng ở tuổi 87 thì làm gì cũng không được rề rà, không được phép “mổ cò lóc cóc” như ngày xưa nữa. Khi mệt ông đi dạo, ngồi “cà phê nhiều chuyện” hoặc nghe nhạc. Ông nghe nhiều dòng nhạc, khen nhạc trẻ bây giờ hay lắm. Ông khát khao sống và làm việc đến mức ông cũng ngạc nhiên: “Tao 87 tuổi rồi hả bây? Tao cứ tưởng mới nghỉ hưu hôm qua”.

Ông Nguyễn Long Trảo đã hoàn thành bản thảo cho cuốn sách thứ hai với tên dự kiến là  21 năm nối lại đôi bờ. Ảnh: H.MINH

Lòng đau khi nghe phân biệt vùng miền

Năm 22 tuổi, ông tập kết ra Bắc. Ông cùng các bạn bè người miền Nam tập kết đinh ninh sẽ sớm được trở về quê hương sau Hiệp định Geneve. Không ngờ phải đến hơn 20 năm sau, chàng trai miền Nam trẻ măng năm xưa đã bước qua tuổi trung niên mới được trở về quê nhà. Những năm tháng sống và làm việc ở miền Bắc, chứng kiến những biến động lịch sử, đó là vùng ký ức mãnh liệt nhất của ông.

7.500 ngày kể từ khi Hiệp định Geneve được ký kết cho đến khi đất nước được thống nhất, ông đã đi khắp các tỉnh miền Bắc để làm việc, để hy vọng và chờ đợi. Ông có hai người anh cùng tập kết ra Bắc nhưng sau đó trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và đã hy sinh. Những cảm xúc của thanh niên miền Nam tập kết thời kỳ đó rất phức tạp nhưng trên hết vẫn là lòng yêu nước sôi nổi, sẵn sàng cống hiến.

Ông Nguyễn Long Trảo, quê Đồng Tháp, nguyên là chuyên gia binh khí và kỹ thuật quốc phòng Cục Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng, sau này làm phó Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Cuốn sách chuẩn bị ra mắt, ông muốn kể về tâm tư, tình cảm của những người miền Nam trong dòng chảy lịch sử từ năm 1954 đến khi thống nhất đất nước 1975. 

Ông cho biết ông sẽ không viết về những khốc liệt của cuộc chiến, không phân tích các sự kiện dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử, ông chỉ viết về tâm tư, tình cảm của những người đã dành tuổi trẻ của mình cho cuộc thống nhất. Trong đó sẽ có bốn nhóm nhân vật xuất hiện: Lớp người miền Nam tập kết ra Bắc góp sức xây dựng miền Bắc, lớp người “đi B” - tức là người miền Nam ra Bắc nhưng quay lại miền Nam chiến đấu, lớp những người ở lại chiến đấu và những người miền Bắc.

Sống ở miền Bắc hơn 20 năm, ông càng hiểu được tình cảm nồng nàn của người dân hai miền dành cho nhau khi đất nước bị chia cắt. Ông nói: “Hai miền thống nhất là điều tuyệt vời nhất tôi chứng kiến trong cuộc đời mình. Tôi yêu đất nước này bằng tình yêu và cả những nỗi đau. Khi ai đó hỏi tôi câu hỏi nào đó nhạy cảm về vùng miền, có thể người khác thấy bình thường nhưng tôi lại thấy đau. Việt Nam là một, là thống nhất, rất nhiều người đã hy sinh cho điều đó”.

Viết hồn nhiên bằng ngồn ngộn trải nghiệm

Tôi có cảm giác cuộc đời hơn 80 năm của ông là tầng tầng lớp lớp phù sa. Dưới tầng tầng lớp lớp ấy là ngọc, có những viên sỏi lấp lánh, đa chiều, có cả những hòn đá rắn rỏi, thô mộc. Lịch sử được viết hồn nhiên bởi một người lính sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu khi Tổ quốc gọi và thanh thản trở về làm một người bình thường nhưng được là mình, sống hết mình, không hối tiếc.

Nhà văn TRẦM HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm