Cụ bà 81 tuổi và bộ sưu tập hàng ngàn vé xe buýt

81 tuổi nhưng cụ bà Nguyễn Thị Hoài An, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, vẫn nhanh nhẹn lên xuống xe buýt. Cứ lúc nào buồn, cụ lại ra bắt xe buýt đi một vòng TP, có lúc ra tận ngoại thành. Cụ có sở thích lưu lại những tấm vé xe buýt sau mỗi hành trình. 15 năm giữ gìn, giờ đây cụ sở hữu hàng ngàn tấm vé xe buýt.

Chuyện kể từ những tấm vé xe buýt

Cụ An gắn bó với xe buýt từ năm 1966. Sau năm 1975, cụ công tác ở HTX vận tải số 5, hằng ngày cụ phải đi nhiều nơi, đến nhiều đơn vị để tìm kiếm nguồn hàng nên cụ chọn phương tiện công cộng để di chuyển. Nhưng phải đến gần 40 năm sau cụ mới bắt đầu giữ lại những tấm vé xe buýt đầu tiên.

Cẩn thận lấy ra từ một bọc nylon tập vé xe buýt dày cộp có đề mệnh giá 1.000 đồng, cụ giới thiệu: “Đây là những chiếc vé bà cất đầu tiên, phát hành vào năm 2002. Đây là năm đánh dấu giai đoạn hồi sinh của xe buýt TP.HCM thực hiện trợ giá với mức 1.000 đồng/vé nhằm khuyến khích người dân đi xe buýt”.

Với nhiều người, vé xe buýt chỉ là tờ giấy bỏ đi khi họ đã đến cuối lộ trình. Nhưng đối với cụ An, mỗi tấm vé đều mang trong mình một câu chuyện để rồi khi nhìn lại, kỷ niệm bỗng ùa về. Có tấm vé đưa cụ vượt đường xa xuống tận Gò Đen để thắp cho ông nhà một nén hương rồi quay ngược trở lại. Nhưng cụ nhớ nhất là những lần mua vé để được trải nghiệm một tuyến xe mới, một vùng đất mới. “Hôm đó, tính ra Bến xe Miền Tây rồi bắt xe về như thường ngày. Thế nhưng bà lại nghe thông tin có lễ thông cầu ở Cần Thơ nên bà mua vé đi luôn. Khi chuẩn bị về thì không còn vé về nữa vì người rất đông. Bà không biết làm thế nào đành năn nỉ mấy cô bán vé. Cũng may, mấy cô nhân viên thấy bà già nên cuối cùng bà cũng được cái vé để về…” - cụ An nhớ lại.

Bà Hoài An bên những tấm vé xe buýt mà bà đã dày công sưu tầm. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Sau này, mặc dù có chính sách của Nhà nước là ưu tiên người lớn tuổi, từ 75 tuổi trở lên được miễn vé xe nhưng cụ An vẫn giữ thói quen mua vé xe buýt. Tất cả tấm vé này cũng đều được cụ An xếp thành một tập riêng. Đó là những tấm vé được cụ mua khi nhìn thấy một tuyến xe ít khách, cụ bảo: “Tội bọn nhỏ, xe ế quá thì làm sao?”. Nhưng có lúc cụ An mua vé vì chứng kiến thái độ thiếu tôn trọng người già của một số nhân viên. Cụ chia sẻ: Có hôm cụ đi từ Chợ Lớn đến Bến xe Miền Đông. Cụ nói với nhân viên bán vé là cụ đã 80 tuổi rồi nên được miễn mua vé. Cậu nhân viên khó chịu: “Chưa bà ơi, vài tháng nữa thông tư mới ra, bà đợi đi, đợi thông tư đi”. Nghe thế cụ liền bỏ tiền ra mua vé chứ không cả xe người ta nhìn cụ, cụ xấu hổ và tủi thân lắm. Cụ muốn mình được mua vé trợ giá như sinh viên, chỉ khoảng 2.000 đồng thôi chứ không cần miễn phí, để trong lòng cảm thấy thoải mái.

Tìm niềm vui trên những chuyến xe buýt

Bao năm di chuyển bằng xe buýt, cụ An chứng kiến sự thay đổi, phát triển của hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP. Từ việc đi chợ, thăm bà con, bạn bè ở TP hoặc về quê, cụ đều đi bằng xe buýt qua nhiều chặng khác nhau. Cụ cho biết: “Từ ngày xưa xe cổ lỗ sĩ, từ Đa-su rồi xe lam ba bánh bà cũng đồng hành. Bà muốn đi tự do theo ý thích của bà để không phải phiền con cái đưa đón. Xe buýt giờ hiện đại, chất lượng tốt mà đi quá rẻ. Bà ước mong mình còn sức khỏe để tiếp tục đồng hành với xe buýt nhiều nữa. Bà chờ tuyến buýt đường sông, tuyến metro hoàn thành để bà đi”.

Làm dâu cụ Hoài An nhiều năm nay, chị Trần Thị Hồng không còn thấy lạ với việc mẹ mình có sở thích đi chơi bằng xe buýt mỗi ngày và lưu lại những tấm vé sau mỗi hành trình. Chị Hồng nói: “Từ khi con tôi còn nhỏ, bà cũng dắt đi xe buýt. Mẹ tôi nói: “Mẹ lưu lại để sau này một ngày nào đó mẹ không còn nữa, coi lại những tấm vé này tụi con thấy thương mẹ, nhớ mẹ”. Mẹ thích như vậy nên chúng tôi cũng rất tôn trọng. Miễn mẹ mình vui là được rồi”.

Cụ An không nhớ nổi là đã đi bao nhiêu tuyến xe buýt, chỉ biết rằng hễ có tuyến xe buýt mới là cụ phải đi, có loại hình xe mới là cụ phải thử. Cụ nhớ và đọc vanh vách tên hàng trăm tuyến xe buýt. “Nhiều tài xế họ thương bà như một bà mẹ. Họ mời bà đồng hành cho hết tuyến rồi hẵng xuống. Nhân viên thì lấy thêm một hộp cơm để mời bà ăn, thân thương với bà vậy đó” - cụ xúc động kể.

Nhắc đến cụ An, anh Trần Anh Dũng, tài xế tuyến xe số 7 Gò Vấp-Chợ Lớn, vẫn gọi cụ bằng cái tên gần gũi “cô Sáu”. Anh nói: “Cô Sáu tốt lắm. Cô thường hỏi thăm về công việc của tôi có vất vả không. Chạy liên tục nhiều chuyến một ngày có mệt không. Rồi cô còn hỏi thăm sức khỏe cha mẹ tôi nữa. Nói thật, mình lái xe cả ngày, gặp được những vị khách quan tâm như vậy, mình cũng cảm thấy ấm lòng”.

Là người tâm huyết với các phương tiện công cộng, cụ An cũng cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh kẹt xe mỗi ngày. “Sài Gòn giờ kẹt xe nhiều quá. Ngồi trên xe buýt dòm xuống đường thấy người, xe như là kiến. Ước mong làm sao người dân đồng hành cùng xe buýt nhiều hơn để giảm bớt xe hai bánh thì đỡ kẹt xe” - cụ tâm sự.

Mặc dù qua những thời kỳ khó khăn, lúc này lúc kia nhưng những người như cụ Hoài An vẫn gắn bó với xe buýt, thực sự rất đáng trân trọng. Hiện tại TP khuyến khích tăng cường sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm tải tình trạng ách tắc giao thông nên phải nói cụ An là một trong những tấm gương điển hình cần học tập. Tôi nghĩ TP phải phát động phong trào lựa chọn phương tiện công cộng để di chuyển giống như cụ An.

Ông TRẦN CHÍ TRUNG, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP. HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.