Cột mai, trói kiểng để chống… trộm

Hằng năm, cứ dịp cận tết là giới đạo chích vào mùa “ăn hàng” cây kiểng… Bởi vậy, nhiều vựa cây kiểng nơm nớp lo bị trộm viếng đã cử người thức trắng đêm canh giữ.

Canh trắng đêm... vẫn mất

Rạng sáng 3-2, anh Nguyễn Xuân Ửng, chủ vựa mai trên đường Kha Vạn Cân, phát hiện trong đêm trộm đã nhổ hai gốc mai đẹp của vựa trị giá hơn 10 triệu đồng: “Tui có gần 100 chậu mai nhưng mới bán được sáu chậu thì mất hai chậu. Dù thuê hai người canh giữ nhưng bọn “kiểng tặc” ra tay nhanh quá, chúng kéo đi đông người nên ai cũng sợ”. Sau vụ trộm, anh Ửng cảnh giác dùng dây xích cột dính liền các gốc mai lại.

Tương tự, tình trạng trộm mai cũng xảy ra tại các vựa mai ở phường Hiệp Bình Chánh. Khuya 2-2, lợi dụng anh Tuấn (chủ vựa) và người canh ngủ quên, kẻ trộm đã cắt hàng rào lưới B40 chui vào lấy trộm xe máy (trong cốp xe có hơn 20 triệu đồng tiền bán mai) và hai gốc mai trị giá hơn 10 triệu đồng...

Trước đó, đêm 1-2, vựa ông Phương cũng bị trộm cắt lưới rào vào dắt mất chiếc xe máy. Anh Phương rầu rĩ nói: “Thấy gần sáng tui mới chợp mắt một chút, ai dè chiếc xe có khóa vẫn mất. Mấy chậu mai lão (giá từ 30 đến 50 triệu đồng/gốc) nhờ xích lại nếu không bị trộm luôn rồi”.

Cột mai, trói kiểng để chống… trộm ảnh 1

Vựa mai anh Ửng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) vừa bị trộm cắt lưới rào vào trộm. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Bây giờ các vựa mai đều cắt cử người chia nhau thức đêm đề phòng kẻ trộm. “Tiền công canh mai cả ngày lẫn đêm là 150.000 đồng nhưng nếu xảy ra mất trộm thì chủ vựa sẽ trừ bớt tiền công. Chưa kể mùa sau, chủ không thuê nữa. Đêm nào tôi cũng uống cà phê đậm đặc để không ngủ. Mất ngủ không lo nhưng mất mai thì khổ lắm” - anh Huyền, người canh kiểng thuê cho vựa anh Phương, tâm sự.

Vừa bán vừa canh trộm

Ngoài mai, đào gốc, bonsai, trộm còn “tiện tay” xách các loại lan đắt giá như Ngọc điểm, Hồ điệp, Vũ nữ, Địa lan… Có vựa không chỉ bị trộm viếng về đêm mà trộm còn giả khách trà trộn vào vựa “ăn hàng” giữa ban ngày… Các vựa hoa thuê mặt bằng ở các đường Nguyễn Trãi (quận 5), Trần Xuân Soạn (quận 7), Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh), Bến Bình Đông (quận 8)… phải vừa bán vừa canh trộm.

Anh Lâm thuê mặt bằng ven Bến Bình Đông để kinh doanh kiểng từ Bến Tre cho biết: “Hôm trước hai kẻ trộm giả vờ hỏi mua hoa rồi nhổ gốc sứ trong chậu, bỏ chạy vào hẻm mất tiêu luôn”.

Tại Công viên 23-9 (quận 1), Lê Văn Tám (quận 1), Gia Định (quận Gò Vấp), tình trạng mất cắp ít xảy ra do có lực lượng bảo vệ và đông người đi xem cây kiểng. Tuy nhiên ban đêm, người bán phải xích các gốc cây kiểng đề phòng trộm.

Anh Long, một chủ vựa hoa kiểng truyền đạt kinh nghiệm: “Phần lớn chủ vựa đều từ Tiền Giang, Bến Tre lên buôn bán dịp tết. Trên ghe lúc nào cũng có một hai con chó để canh chừng trộm. Vừa rồi, một nhóm thanh niên định rinh mấy chậu bonsai liền bị chó sủa ầm lên phải bỏ chạy”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tá Huỳnh Văn Dư, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM), thông tin: “Hầu hết đối tượng trộm cắp đều canh lúc khuya để ra tay. Gần tết, những hộ kinh doanh cây kiểng lề đường và người dân nên cảnh giác để tránh mất trộm. Dịp tết chúng tôi tăng cường tuần tra để kịp thời ngăn chặn, truy bắt trộm cắp”.

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm