Công sở cũng xáo trộn vì World Cup 2014

Công sở cũng xáo trộn vì World Cup 2014

Một số người giải pháp chỉ sắp xếp xem những trận bóng yêu thích. Ảnh minh hoạ

Khác với những mùa giải trước, World Cup 2014 với các trận đấu diễn ra rất muộn (thường vào thời điểm rạng sáng) thời điểm mà thức đêm xem cũng dở, dậy sớm xem còn dở hơn. Chính vì vậy, việc sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo sức khỏe, công việc vừa xem được đầy đủ các trận đấu mong muốn là điều không dễ dàng đối với dân công sở, đặc biệt là cánh mày râu thực sự mê môn thể thao túc cầu này. Nhiều người hâm mộ cười nói: "Đã bén duyên với trái bóng tròn thì cố mà chịu". Họ khẳng định sẽ xem các trận đấu xuyên đêm đến sáng sớm đi làm luôn. Đối với dân nghiện bóng đá, việc xem bóng như vậy là bình thường. 

Anh Hoàng, nhân viên văn phòng cho biết: "Không chỉ World Cup mà Euro hay các giải bóng khác như C1, ngoại hạng Anh... tôi vẫn thức thâu đêm để hoà cùng với trái bóng lăn. World Cup chỉ kéo dài có 1 tháng, chuyện thức thâu đêm như vậy chắc không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ."

Chọn những trận cầu "đáng xem"

Với 64 trận đấu tại World Cup 2014 diễn ra ở Brazil mùa hè năm nay, dân văn phòng cũng đang cân nhắc với những trận đấu đáng xem. Tất nhiên, càng đi sâu vào vòng trong, các trận đấu càng hấp dẫn nên hầu như không thể bỏ lỡ, vì vậy dân "ghiền" bóng đá chỉ cân nhắc lựa chọn xem các trận đấu "đáng xem" ở vòng bảng mà thôi.
Anh Tuyến - một Fan hâm mộ của đội tuyển quốc gia Anh, chia sẻ: "Năm nay các trận đấu diễn ra quá muộn nên việc bố trí thời gian xem, rồi sau đó còn đảm bảo sức khỏe đi làm nữa thì quả là rất khó đối với dân văn phòng như tôi. Chiều 6h mới về nhà, cơm nước xong cũng phải đến gần 8h, nếu xem bóng đá suốt đêm thì sáng hôm sau không đủ sức mà đến công ty nữa. Vì vậy, tôi chọn cách sàng lọc các trận đấu mình muốn xem, còn những trận đấu khác sẽ cập nhật tin tức từ báo chí. Ngoài các trận đấu trong bảng có đội bóng mình yêu thích là Anh, tôi cũng sắp xếp thời gian để xem thêm các trận đấu có sự góp mặt của nước chủ nhà Brazil, Hà Lan, Tây Ban Nha hay đại diện cho châu Á là Nhật Bản...".
Kế sách của anh Tuyến được khá nhiều đấng mày râu là dân văn phòng lựa chọn và xem như một phương pháp giải quyết hai vấn đề: vừa xem được những trận đấu mình thích, vừa đảm bảo sức khỏe, thời gian để hoàn thành công việc.
Là một tín đồ trung thành của môn thể thao vua nên anh Hòa, cho biết: Công việc hiện tại của anh là phụ trách phòng kinh doanh cho một doanh nghiệp nước ngoài, nên yêu cầu công việc và áp lực là rất lớn, thời gian rảnh rỗi rất ít. 
"Thức khuya để xem các trận đấu yêu thích cũng khá mệt nhưng không xem thì tiếc. Vì vậy, những trận đấu không quan trọng mình sẽ bỏ qua và giữ sức cho những trận đấu của đội tuyển mà mình yêu thích mà thôi. Các trận đấu còn lại thì thì cập nhật thông tin từ mạng Internet, radio... Những đêm diễn ra 3 trận thì mình chỉ xem được 1 trận thôi, còn phải giữ sức khoẻ cho công việc. Nếu đến công ty mà "mắt nhắm mắt mở" thì mất điểm với sếp, không những thế còn bị kiểm điểm, trừ lương nữa" - anh Hoà cười nói.
Trong khi đó, anh Huy - một nhân viên giao hàng ở địa bàn Hà Nội, chia sẻ, công việc giao hàng của anh bắt đầu từ rất sớm, nên với những trận đấu diễn ra vào 5h sáng anh đều phải bỏ lỡ. "Mình chỉ xem được các trận đấu diễn ra vào 23h nên cũng hơi tiếc, vì có một số trận hấp dẫn, hứa hẹn gay cấn thì mình không được theo dõi vì công việc" - anh Huy chia sẻ.

Tận dụng mọi thời gian rảnh để ngủ

Là một tín đồ cuồng nhiệt của bóng đá nên anh Nam (nhân viên kinh doanh) không bỏ qua bất kì một trận đấu bóng nào. Thế nhưng sáng ra, anh vẫn phải đi làm để đảm bảo công việc nơi công sở. Anh tâm sự: "Mấy hôm đầu xem bóng xong, đi làm mình vẫn thấy minh mẫn nhưng đến ngày thứ tư thì mắt díp vào, cả người xoay như chong chóng. Ngày thứ 5 mặc dù chuông đồng hồ báo thức kêu đến lần thứ tư minh vẫn không sao mở mắt dạy đi làm nên đành phải xin sếp ở nhà hôm đó.".
Nhận thấy nếu tình hình cứ như vậy thì không ổn nên anh tính cách khác. Thường ngày giờ nghỉ trưa công sở anh thường cà phê với bạn bè, đọc báo xem tin tức... thì nay được anh tận dụng để ngủ trưa lấy lại sức. "Cũng may có giấc ngủ trưa bù lại, tôi thấy tinh thần mình khoẻ ra, chứ nếu không chắc không còn sức vừa xem bóng đá, vừa chiến đầu với công việc." Anh Nam gãi đầu cười nói.

Anh Nguyễn Trung Cang (nhân viên IT, Phường 5- TP Vĩnh Long) là fan cuồng bóng đá. Hầu như các trận đấu bóng đá từ giải ngoại hạng Anh, cúp Châu Âu (UEFA Champions League) hay Euro, World Cup,... Cang đều có xem. Cang cho biết, thức xem bóng đá riết rồi quen, song do có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý nên Cang vẫn thấy khỏe khoắn và không vì mê bóng đá mà làm ảnh hưởng đến công việc.
“Mùa World Cup, tủ lạnh mình trữ rất nhiều sữa, các loại trái cây nhiều chất xơ như chuối, táo, cà rốt, lê, bánh ngọt,... Để có sức thức xem bóng đá, phải ăn nhiều, tối thức uống sữa, ăn trái cây và đặc biệt là phải ngủ sớm trước 21 giờ. Giữa trận đấu mình tranh thủ chợp mắt và để đồng hồ báo thức. Không lạm dụng trà, cà phê để thức khuya. Trưa đi làm về phải tranh thủ nghỉ trưa. Nhờ vậy, từ thời sinh viên tới khi đi làm, mình ít khi bỏ lỡ trận cầu hay nào”- Cang nói.
Chị Nguyên Cầu Giấy lại có cách nhìn khác: "Bình thường công sở mình mấy nam thanh niên chả mấy khi ngủ trưa, nhưng giờ thì họ ăn trưa vội vàng rồi tranh thủ cho giấc ngủ. Hỏi ra mới biết thì ra họ ngủ bù để còn thức xem World Cup."

Chị Nguyên cũng góp ý thêm: "Cứ nhìn chồng tôi thì thấy rõ, anh bảo với tôi bình thường anh chả mấy khi ngủ trưa nhưng bây giờ phải cố mà ngủ bởi vào World Cup giấc ngủ trưa là vàng không tận dụng không có sức để vừa xem bóng vừa làm việc. Bên cạnh đó, về đến nhà là chồng tôi lên giường đi ngủ lấy sức để thức. Mọi chuyện đón con, cơm nước trong thời gian này tôi lo tất. Cũng phải hiểu và thông cảm cho chồng chỉ vì anh trót mê bóng đá chứ biết làm sao bây giờ? Không ngăn được lũ thì sống chung với lũ vậy..."

Đến công sở xem bóng rồi làm việc luôn

Chán cái cảnh nhân viên suốt ngày lấy mọi lí do để đi làm muộn như nhà em có việc gấp, xe em bị hỏng, con em bị ốm... chỉ vì xem World Cup, anh Sơn (sếp một công ty truyền thông) bèn nghĩ ra cách tận dụng chiếc ti vi lớn trong phòng họp để anh em mê bóng có thể xem các trận bóng. Điều này được nhiều anh chị em trong công ty anh tán thành bởi họ có thể ở lại công ty xem World Cup, sáng sớm họ tỉnh dậy làm việc luôn không lo tới công sở bị muộn.
Anh còn chia sẻ thêm: "Chiếc tủ lạnh công ty cũng được tận dụng chưa mì tôm, sữa, trứng vịt để anh chị em công ty thức cùng World Cup. Không khí sau giờ làm rất vui, họ vừa bàn luận, vừa hò reo rất thú vị. Trước khi nếu bắt anh em làm thêm giờ thì họ phản đối, còn nay thì ai cũng nhiệt tình đăng kí làm thêm. Công ty cũng được lợi mà anh em thêm đoàn kết."
Cũng là một người sếp hiểu tâm lí nhân viên nên chị Tâm (công ty dịch vụ di động) lại có quyết định thành lập riêng tổ “công tác đặc biệt” chuyên sắp xếp lịch làm việc phù hợp với nguyện vọng anh em và bắt ký cam kết, nếu không sẽ bị phạt.
Theo lịch đó, nhân viên bên công ty chị có thể đi làm muộn hơn và về sớm hơn, một số bộ phận làm trực tuyến thì có thể làm việc online tại nhà miễn sao hiệu quả công việc vẫn đảm bảo. Nếu ai làm không tốt sẽ bị trừ lương. Với bộ phận hành chính, nhân sự, kế toán thì họ có thể xem bóng đá tại công sở, buổi sáng làm việc luôn.
Theo Tuấn Anh, chuyên viên quản lý nhân sự lâu năm, chiều nhân viên một chút vào thời điểm thích hợp nhất là vào mùa World Cup thế này cũng là một nghệ thuật của công tác quản trị nguồn nhân lực. Nới lỏng qui chế trong trường hợp này không đồng nghĩa với hiệu suất kém đi, mà sẽ khiến tự nhân viên có trách nhiệm phải phấn đấu “trả ơn” vì những ưu đãi rất tâm lý của lãnh đạo. 
Rồi cơn sốt mang tên World Cup sẽ qua đi, gửi lại sự bình yên cho công sở, chắc người ta sẽ nhớ những ngày này, khi mà khắp thế giới kết nối với nhau thì nhân viên công sở cũng chẳng phải đi đâu xa, đã có cơ hội thật tuyệt để kết nối với chính sếp và những đồng nghiệp thân thiết của mình.
Theo webphunu.net, NĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm