Công nhân ít được vui chơi, giải trí

Công nhân ít được vui chơi, giải trí ảnh 1
Một khu trọ xập xệ nằm bên mương nước ô nhiễm thuộc xã Hóa An, TP Biên Hòa (Đồng Nai) - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Hội thảo trên vừa diễn ra tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) do Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Không có thời gian để vui chơi, giải trí

“Tiền lương tối thiểu chỉ bằng 60% mức sống tối thiểu của người lao động (giá trị sức lao động của người lao động đang được định giá rất rẻ) nhằm tạo ra lao động giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động” - theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai.



Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã rất băn khoăn về thực trạng đời sống và văn hóa tinh thần hiện nay của những công nhân di cư từ miền Trung vào Nam.

Theo TS Lê Thị Kim Lan (ĐH Khoa học - ĐH Huế), mức thu nhập hiện nay của công nhân vẫn còn thấp, chỉ đảm bảo cho cuộc sống cơ bản như tiền ăn hằng tháng, nhà trọ, điện nước, tiền con học... “Thời gian qua khảo sát nhà trọ nhiều công nhân miền Trung của năm công ty giày da ở hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, chúng tôi nhận thấy phần lớn như một khu ổ chuột mới với cơ sở vật chất rất thiếu thốn, ánh sáng kém, ẩm thấp... Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em” - TS Lan nói.

Cũng theo TS Lan, mức thu nhập thấp đã tạo ra sức ép buộc người lao động nhập cư phải tăng ca, làm thêm nhằm đảm bảo cuộc sống khiến quỹ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí trở nên eo hẹp. Thậm chí, trong nhiều trường hợp chế độ an sinh xã hội trở nên xa xỉ với khá nhiều công nhân...

Nói rõ hơn về vấn đề này, ThS Phạm Thị Minh Nguyệt (ĐH Đồng Nai) cho rằng: “Hiện nay các chương trình sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dành cho công nhân tuy đã có đầu tư, đổi mới cả nội dung và hình thức nhưng nhìn chung vẫn còn khá đơn điệu, mang tính mùa vụ, thiếu tính thường xuyên nên chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn công nhân tham gia”.

Bảo vệ thực thi quyền lợi chưa đồng bộ

PGS.TS Trịnh Thị Định (ĐH Khoa học Huế) cho rằng hiện nay về cơ bản các quyền lợi của người lao động nhập cư như lương, thưởng, phụ cấp, chi phí ngoài giờ... đều được các công ty thực thi đầy đủ. Tuy nhiên, điều mà PGS. TS Định lo lắng sau khi trao đổi trực tiếp với nhiều công nhân ở hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương chính là dấu ấn mờ nhạt của một số cơ quan chức năng, Nhà nước có vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

“Nếu tổ chức công đoàn luôn thể hiện đậm nét trách nhiệm của mình thì một số cơ quan nhà nước lại rất thờ ơ trong việc thực thi quyền lợi cho công nhân, chẳng hạn như thiếu quan tâm đến giá điện nước cho công nhân, thu cao hơn so với mức quy định...” - PGS.TS Định dẫn chứng.

Việc cán bộ công đoàn ăn lương doanh nghiệp (người sử dụng lao động) có đảm bảo trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động hay không cũng được hội thảo đặt vấn đề. Anh Trần Ngọc Quang (phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Bouchen Việt Nam) nêu ý kiến: “Dù ăn lương doanh nghiệp hay là cán bộ công đoàn chuyên trách gì đi nữa, nhưng là cán bộ công đoàn thì phải làm việc theo đúng trách nhiệm mình đang đảm nhận. Để tránh gặp sức ép từ doanh nghiệp thì công đoàn công ty cần có những quy tắc, giao ước chung với ban giám đốc từ trước để dễ làm việc khi bảo vệ quyền lợi cho người lao động”.

Theo NGÔ THIÊN PHÚC (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm