Công nhân đình công vì người thân chết phải báo trước

Có người thân chết phải báo trước ba ngày

Đến ngày 8-9, hàng ngàn công nhân tiếp tục đình công đòi quyền lợi là tăng lương cơ bản, nghỉ ốm đau, việc đột xuất thì không bị trừ tiền chuyên cần, phải tính vào ngày nghỉ phép năm, không quá ép sản lượng công nhân, đảm bảo chế độ thai sản đầy đủ cho công nhân.

Họ cũng phản đối và buộc công ty này phải thay đổi các quy định vô lý như nhà có người chết, hay bị tai nạn, công nhân phải báo trước ba ngày, ốm đau cũng phải lên lịch trước mới được nghỉ đó là một trong các quy định mà nhiều công nhân bức xúc phản đối mạnh mẽ buộc công ty này phải thay đổi.

Dù một số kiến nghị của công nhân đã được đáp ứng cụ thể là đã sa thải Mai Sỹ Nghĩa, phiên dịch viên có lời lẽ miệt thị các công nhân người dân tộc thiểu số khiến công nhân bức xúc. Tuy nhiên, hàng loạt các kiến nghị của công nhân yêu cầu công ty này thực hiện theo các quy định của nhà nước về quyền lợi của người lao động vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng.

Ngay sau khi hàng ngàn công nhân đình công thì công ty này cũng đã có thông báo trả lời về những kiến nghị của công nhân. Đáng chú ý là về tiền lương, công ty không chấp thuận theo đề xuất của công mà cho rằng vẫn thực hiện xét nâng bậc lương hàng tháng đối với những người làm việc từ đủ 12 tháng và hưởng năng suất theo chuyền mà không đánh giá riêng từng người.

Hàng ngàn công nhân tiếp tục đình công đòi quyền lợi, yêu cầu Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành. Ảnh: M. CHUYÊN

Đối với phép năm công ty này cho rằng, khi người lao động có xin phép nghỉ giải quyết công việc gia đình hoặc có thể bị ốm 1 ngày mà không đi bệnh viện thì có thể sử dụng phép năm (nếu còn phép). Khi đã sử dụng phép năm thì không được hưởng tiền chuyên cần. Khi công nhân nghỉ phép năm mà không báo trước thì không được hưởng tiền chuyên cần.

Trong khi đó, công nhân đề nghị tăng tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ vì hiện mỗi tháng, công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi chỉ được 10.000đ/tháng, chỉ đủ mua 1 hộp sữa Vinamilk nước, đề nghị tăng thêm 4 hộp sữa, tương đương 50.000đ/tháng. Đề nghị này không được công ty này đáp ứng vì cho rằng đang làm ăn đang thua lỗ, chờ đến khi nào ổn định sẽ xem xét.

Liên quan đến đề xuất thưởng lễ Tết âm lịch 1 túi quà tương đương 200 ngàn đồng và Tết Dương lịch 30 ngàn đồng cho rằng như vậy là thấp so các Cty khác nên đề nghị tăng hơn, tuy nhiên công ty này trả lời do đang khó khăn nên chưa thể xem xét. Trong khi đó công nhân cho rằng chỉ nghỉ một ngày trong tháng không báo trước vi phạm dù chỉ một lần cũng bị trừ tiền chuyên cần 300 ngàn đồng là vô lý hoặc chỉ vào chậm 5 phút.

Doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi người lao động

Trao đổi với PV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa ông Ngô Tôn Tẫn thông tin hiện Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Thạch Thành, các đơn vị liên quan vận đồng người dân quay trở lại làm việc, đồng thời đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành pháp luật về lao động, đồng thời doanh nghiệp phải ký cam kết điều chỉnh cho đúng thì yêu cầu doanh nghiệp thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

công nhân đề nghị tăng tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ vì hiện mỗi tháng, công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi chỉ được 10.000đ/tháng, chỉ đủ mua 1 hộp sữa Vinamilk nước. Ảnh: M. CHUYÊN

Trao đổi qua điện thoại với báo Pháp luật TP HCM, ông Phạm Trọng Dũng Phó bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Thanh Hóa cho hay, chiều ngày 8-9 huyện đã cử nhiều  cán bộ về các xã, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền, vận động công nhân Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành sớm trở lại công ty làm việc. Đồng thời đối với những kiến nghị của công nhân, thì huyện sẽ đề nghị công ty này sớm giải quyết đảm bảo các quyền lợi cho công nhân đúng theo pháp luật quy định.

Trước đó, trưa 6-9, sau khi bị phía công ty thu vải che hàng không cho công nhân dùng lót xuống sàn để ngồi nghỉ trưa, gần 6.000 công nhân cả 3 phân xưởng đã đồng loạt ngừng việc, đình công, đồng thời đưa ra các kiến nghị đề nghị phía công ty phải chấp nhận thực hiện. Tuy nhiên đến chiều nay nhiều kiến nghị của công nhân vẫn chưa được đồng ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm