'Con tôi sống nay chết mai thì học làm gì...'

Chương trình diễn ra vào sáng nay (26-11), tại hội trường thành phố nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể đã có những việc làm thiết thực nhất để giúp đỡ cộng đồng giữa đời sống thường nhật.

Nhiều tấm gương đã đến để giao lưu trong lễ tuyên dương sáng nay.

Nhiều tấm gương đã đến để giao lưu trong lễ tuyên dương sáng nay.

Cô Phấn kể nhiều khi khó khăn không phải đến từ các em mà là từ các bậc cha mẹ đang chăm sóc các em tại BV. Vì quá đau xót trước cảnh con em mình mắc bệnh nên có nhiều cha mẹ đã khó chịu khi các cô giáo muốn dạy chữ cho các em, không muốn các em phải hao sức vào việc học.

“Con tôi sống nay chết mai thì học để làm gì. Nhiều người nói như vậy mà chúng tôi mất rất nhiều thời gian, đứng ngoài hành lang để thuyết phục họ cho con đến lớp”, cô Phấn kể lại.

Trong suốt những năm dạy học cho các em, cô Phấn nói rằng mỗi cuốn tập là một mảnh đời, cho cô rất nhiều kỷ niệm với các em học trò mà mình thương yêu... Với cô Phấn, mỗi em đều là một mầm non sống cần được vun đắp dù các em đang phải chịu mất mát khi mang trong mình căn bệnh quái ác.

Cô Đinh Thị Kim Phấn (áo dài xanh) chia sẻ về công việc của mình tại lễ tuyên dương.

Cô Đinh Thị Kim Phấn (áo dài xanh) chia sẻ về công việc của mình tại lễ tuyên dương.

“Tôi đã xem các em như người nhà, những kỷ vật sau cùng của các em tôi đều gửi về cho gia đình khi nhận tin các em đã mãi ra đi. Nhớ lắm những lần phụ huynh điện thoại báo rằng chuẩn bị đưa các em về nhà, còn các em thì nói trong điện thoại rằng cô ơi vào gặp em lần cuối đi...”, cô Phấn ngậm ngùi.

Cô Phấn cũng nói thêm: “Chính các em cũng là người truyền cho cô động lực để làm tiếp công việc này khi các em đã phải vượt qua những cơn đau để được đến lớp. Chính các em đã để lại những giá trị sống tốt đẹp khi kiên trì để học chữ, để thực hiện ước mơ được đi học như bao bạn nhỏ khác”.

Cũng trong dịp này, có 138 cá nhân, tập thể được tuyên dương với những cống hiến cho xã hội. Chương trình có sự tham gia của nhiều lãnh đạo thành phố như bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, PCT nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm,...

Trong buổi lễ, các đại biểu cũng đã có dịp trò chuyện với năm nhân vật tiêu biểu là: anh Đinh Văn Việt (đội vệ sinh 3, Xí nghiệp Vận chuyển cơ khí Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8) - người có 16 năm gắn bó với nghề vớt rác trên sông; bà Lê Thị Kim Chung (quận Bình Thạnh) tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy; cô Đinh Thị Kim Phấn - người mang con chữ cho bệnh nhi ung thư; bà Nguyễn Thị Hiếu tích cực giúp đỡ người nghèo; ông Nguyễn Ngọc Đức vớt rác làm sạch các tuyến kênh...

Giao lưu với các nhân vật tiêu biểu ngay tại hội trường.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ chân tình tất cả đều là những hình ảnh đẹp đẽ, đọng lại trong tâm trí, tình cảm không chỉ với người dân thành phố mà còn với người dân cả nước.

“Những việc làm của họ rất thầm lặng, không ồn ào, ít người biết đến nhưng đó là những hành động, việc làm ấm áp tình người, mang tính nhân văn sâu sắc. Điều đáng trân trọng là mỗi việc làm, suy nghĩ của họ đều xuất phát với tinh thần tự nguyện, không vụ lợi, không cần phải được vinh danh, được khen thưởng mà chỉ với cái tâm trong sáng và lòng nhân ái, bao dung không giới hạn...”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đã cống hiến hết mình cho xã hội.

Tại đây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận xét TP.HCM là nơi đi đầu trong nhiều phong trào mang tính nhân văn, có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước. Bà bày tỏ sự mong muốn thành phố tiếp tục duy trì để nhân rộng thêm nhiều tấm gương tốt đẹp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm