Gương sáng giảng đường:

Cô trò sản xuất giấy từ những… cây chuối

Dự án đã giành giải cao nhất khối sinh viên của cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV_STARTUP-2020) do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức. 
Ngoài bằng khen, dự án đã được thưởng tiền mặt 60 triệu đồng, gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.
Muốn tận dụng những thân chuối bỏ đi
Dự án có tên “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên giấy bao bì” do nhóm năm sinh viên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thực hiện, gồm Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Lê Thụy Tường Vân và Trần Út Thương. 
Theo thông tin của dự án, nhóm tận dụng thân cây chuối dùng làm nguyên liệu cho quá trình tạo giấy xanh, thân thiện môi trường. Bởi đây là một trong những loài cây chính ở Việt Nam với 100.000 ha và 1,4 triệu tấn chuối mỗi năm. Như Kiên Giang hiện có khoảng 1.540 ha đất trồng chuối. Nhưng sau khi thu hoạch, thân chuối trở thành phế phẩm nông nghiệp, thường được dùng làm thức ăn cho gia súc. 
Nói về ý tưởng ban đầu cho dự án này, TS Hoàng Thị Tuyết Nhung, phó bộ môn Môi trường của Khoa công nghệ hóa học cũng là giảng viên hướng dẫn trực tiếp cho nhóm, cho biết cô và các sinh viên đã nhen nhóm dự án này từ hơn một năm trước. 
TS Nhung cho rằng việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp để làm giấy không phải mới vì người xưa đã từng chế tạo ra giấy từ rơm rạ rồi. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, mọi người quen dùng giấy đẹp mà quên đi giấy thô của ngày xưa. Do đó, nhóm muốn tạo ra giấy từ các loại phế phẩm như lá dứa, vỏ bắp, thân cây chuối... Khi chế tạo thành công và quyết định theo đuổi dự án, nhóm muốn tập trung vào một nguyên liệu phổ biến và dồi dào nhất cho dự án nên chọn loại thân cây chuối. 

Nhóm sinh viên và TS Tuyết Nhung đoạt giải nhất tại chung kết học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Điều đặc biệt hơn là nhóm không sử dụng hóa chất vì muốn giữ lại những vân chuối trên giấy hay màu sắc theo giống chuối để tạo sự độc lạ, tự nhiên cho sản phẩm. Đồng thời, nó có khả năng phân hủy nhanh, thân thiện với môi trường. 
Trịnh Ngọc Vân Anh, sinh viên chuyên ngành môi trường và cũng là trưởng nhóm dự án, cho rằng em rất bất ngờ và tự hào với giải thưởng vì trong quá trình thực hiện, nhóm gặp rất nhiều khó khăn để cho ra được loại giấy có chất lượng tốt. Có những hôm nhóm phải ở lại phòng thí nghiệm đến tận 9-10 giờ tối. 
Nhóm phải tự chở cây chuối từ nhà (Tây Ninh và Củ Chi) lên TP.HCM để làm giấy. Nhóm phải thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau, thay đổi thành phần các chất để tạo ra giấy có độ bền chắc. Ban đầu do làm thủ công, giấy làm ra dễ bị nhăn. Sau thời gian nghiên cứu khá dài, đổ khuôn quen tay hơn, giấy làm ra được đều hơn, cộng thêm có phương pháp hút nước trong khuôn đổ để giấy mau khô nên chất lượng giấy làm ra tốt hơn.
Thu hút đầu tư hơn 300 triệu đồng
“Tôi mang mấy tờ giấy đi giới thiệu các nơi, không ngờ được đón nhận rất nhiều. Có người đặt hàng cả ngàn tờ, có người đặt túi giấy, đặt hàng online… Rất nhiều người liên hệ nhưng nhóm không dám nhận vì không có nhân lực và máy móc để làm ra nhiều được. Nó cho thấy người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này đã tạo động lực để chúng tôi theo đuổi tiếp dự án” - TS Nhung hứng khởi. 
TS Nhung cho biết trước khi vào chung kết khởi nghiệp do Bộ GD&ĐT tổ chức năm nay, dự án này cũng đã là một trong các dự án đoạt giải nhất cuộc thi “Sáng kiến giảm rác thải nhựa” do Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức ở Rạch Giá (Kiên Giang). 
Kết quả này đã giúp dự án được tổ chức này tài trợ 100 triệu đồng và chi phí hỗ trợ về đào tạo, đưa sản phẩm ra thị trường cũng như hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu ở địa phương để dự án hoàn thiện trong một năm cho vựa chuối tại Kiên Giang, tức năm 2021. 
Vì vậy, nhóm chọn Kiên Giang là nơi sản xuất giấy từ thân cây chuối cho quy mô sản xuất đầu tiên của dự án.

Một số sản phẩm làm từ thân cây chuối. Ảnh: AP

Đồng thời, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng tài trợ 100 triệu đồng tiền mặt để nhóm thực hiện dự án và hỗ trợ sử dụng thiết bị, máy móc, văn phòng thực hiện... 
Cộng với giải nhất vừa đoạt được từ Bộ GD&ĐT, dự án đã huy động được hơn 300 triệu đồng để tiếp tục đầu tư.
Nói về việc triển khai dự án, TS Nhung cho biết hiện nhóm đang dồn hết tiền có được từ các giải thưởng cũng như từ các nhà tài trợ để hoàn thiện quy trình sản xuất như hoàn thiện sản phẩm, chế tạo máy làm giấy… để có thể bắt đầu sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Sau đó sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho địa phương để các hộ nông dân thực hiện theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp.

Tại chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020, ban tổ chức đã trao 20 giải thưởng cho các dự án xuất sắc.

Trong đó, giải nhất khối sinh viên thuộc về dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì” của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Hai giải nhì là dự án “Nghiên cứu và sản xuất sản phẩm Bananist từ cây chuối hột hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường” của Trường ĐH Lâm nghiệp và dự án “Kết nối và hỗ trợ người già App Caso” của Trường ĐH Mở Hà Nội.

Ở khối học sinh, giải nhất thuộc về dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, hai giải nhì là dự án “Safaco” của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ và dự án “Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu Prosafe” của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm