Có nơi tạm lánh cho người đồng tính bị bạo hành

Nhà tạm lánh (phường Phước Long A, quận 9) được nhóm Open group cho ra đời nhằm hỗ trợ những người đồng tính bị bạo hành có một nơi an toàn trong thời gian ngắn để ổn định tâm lý. Nhóm kết hợp các chuyên gia trong lĩnh vực để tư vấn cho các gia đình. Nếu người đồng tính vẫn không được gia đình chấp nhận, nhóm sẽ hỗ trợ tìm việc làm. Đến nay nhóm đã hỗ trợ thành công cho hơn 70 trường hợp.

Bị đánh chỉ vì đồng tính

Lấy hết can đảm để nói với gia đình về giới tính thật của mình, nhiều bạn trẻ vẫn không thoát khỏi tình cảnh bị cha mẹ từ chối và đánh đập. Tuấn Anh (23 tuổi) nhớ lại những ngày đầu công khai giới tính thật: “Mình nghĩ ba mẹ là người gần gũi với mình nhất nên có thể chia sẻ được nhưng ba mẹ đã không chấp nhận mình là con!...”.

 “Mày là con bệnh!” - lời người cha cứ bám riết, ám ảnh Tuấn Anh. “Cứ nhìn thấy mình là ba lại trở nên bẳn gắt, khó chịu, rồi lại lôi mình ra đánh, những trận đòn cứ thế diễn ra không ngớt” - Tuấn Anh khổ sở. Đã có lúc anh muốn tự tử cho xong. Dù cố uống thật nhiều thuốc ngủ, mê man trên giường ba ngày, Tuấn Anh vẫn không dễ dàng từ bỏ cuộc đời mình được.

Chỉ mới 18 tuổi, Quốc (Bình Thuận) đã phải rời xa gia đình vì cha mẹ không chấp nhận một người con đồng tính. Những trận đòn của người cha là lý do buộc em phải ra khỏi nhà. “Em không thể chịu được cứ mỗi lần say lên là ba lại lôi em ra đánh. Ba vừa đánh vừa chửi em là thằng đồng tính” - Quốc nói, ánh mắt đầy sự mất mát.

Tuấn Anh đang nương náu tại nhà tạm lánh. Ảnh: T.TUYỀN

Có một nơi để tạm lánh

Gia đình từ chối, xã hội trở thành niềm tin cho các bạn bám víu. Rời khỏi nhà, từ những người bạn, Tuấn Anh biết đến nhà tạm lánh dành cho người bị bạo hành. Tìm đến đây và nhận được nhiều sự quan tâm, Tuấn Anh không còn cảm thấy mình bị cô lập nữa.

Dòng sông cuồn cuộn nước chảy dưới chân cầu đã chực chờ nuốt chửng lấy Quốc trong màn đêm, em đứng đó, đã muốn gieo mình xuống làn nước để kết thúc tất cả. “Đứng đó rồi nhưng em vẫn không dám nhảy, em đã rút đôi chân mình, quay về nhà và bỏ đi ngay trong ngày hôm sau. Tìm đến nhà tạm lánh như một cơ duyên, em sinh hoạt và sống vui vẻ cùng những người bạn của mình dưới mái nhà nhỏ nhưng tràn ngập tiếng cười” - Quốc chia sẻ.

Hiện tại Quốc đã được anh Nhàn - người đứng đầu thực hiện dự án nhà tạm lánh - tìm một công việc để có thể kiếm thêm chi phí. Sống chung một mái nhà, những tình cảm mà Quốc nhận được giúp em vững tin hơn. Quốc nói: “Ở đó em được sống với chính mình, được vui chơi, được tham gia nhiều hoạt động xã hội, được trò chuyện và được quan tâm, em không còn cảm giác cô độc nữa”.

Ghé thăm nhà tạm lánh vào một buổi trưa, tôi cảm nhận được cái không khí ấm cúng mà tất cả các bạn mang lại. Loay hoay chuẩn bị buổi trưa, kể hết chuyện này đến chuyện khác, Tuấn Anh bảo: “Mình có thể sống tốt, mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn”. Còn Quốc, sau khi tạm lánh một tháng nơi đây thì đã được hỗ trợ xin việc, có nơi ăn ở ổn định tại chỗ làm ở quận 10. Tôi sẽ vẫn nhớ mãi những giọt nước mắt của Quốc, những lần ấp úng, nghẹn ngào khi em kể với tôi về câu chuyện của cuộc đời mình: “Em sẽ trở về nhà khi em thành công, lúc đó chắc ba mẹ sẽ chấp nhận em”. Tôi tin em sẽ làm được!

THANH TUYỀN

Xuất phát từ chính câu chuyện của một người bạn thân vì bị gia đình ép buộc kết hôn mà không thể cãi lời, không biết đi đâu về đâu và đã treo cổ tự vẫn, mình muốn giúp đỡ những người đồng cảnh. Bạo hành không có nghĩa là đánh đập, là dày vò về thể xác mà còn là về tinh thần nữa. Với tất cả tâm huyết mà các bạn trong nhóm đang thực hiện, hy vọng sẽ kịp cứu lấy cuộc đời của một bạn nào đó, sau đó là nhiều cuộc đời khác nữa.

Anh PHAN THANH NHÀN, trưởng dự án Open group

Ban đầu tôi không thể chấp nhận được, rất sốc. Nhưng dần dà sau này rồi được mấy đứa trẻ tư vấn, tôi thấy thương nó hơn, chấp nhận để nó sống thật với chính mình.

Ông H., ông nội của Tuấn Anh

Từ khi thành lập, nhóm đã đáp ứng được nhu cầu rất bức thiết, đó là nơi để người đồng tính cảm thấy an toàn, được chia sẻ và vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Anh TRẦN KHẮC TÙNG, Giám đốc Trung tâm ICS, tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền của người đồng tính

28% người đồng tính bị bạo hành từ cha mẹ, 34% bị những người thân như anh chị em đánh đập. 90% người đồng tính tham gia nghiên cứu có ý định hoặc từng có ý định nghĩ đến cái chết.

(Trích: Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm