KỶ NIỆM 100 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7-11-1917 – 7-11-2017)

Có một người yêu cháy bỏng nước Nga

Ông Đặng Giao Hưởng, 75 tuổi, hiện ngụ quận 12, TP.HCM, là cựu giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật thông tin liên lạc (Học viện Bưu chính viễn thông ngày nay). Năm 1981, ông được cử sang Nga để thực tập ở Viện Puskin (Moscow) rồi trở lại đất nước này lần thứ hai vào năm 1988. Nhân duyên của ông với đất nước này cũng bắt đầu từ đó.

“Nước Nga của tôi”

Căn nhà của ông Hưởng chất đầy những tấm bản đồ, sách báo, tài liệu dày cộp về nước Nga. Những đầu sách như Bách khoa toàn thư về nước Nga, Quan hệ Việt Nam-Liên Xô, Thép đã tôi thế đấy,Mười ngày rung chuyển thế giới, sách về lịch sử các thế hệ anh hùng của nước Nga... được đặt gọn gàng trên kệ.

Chỉ tay vào góc tường treo ảnh Bác Hồ cạnh chân dung Lênin ở phòng khách, ông bắt đầu kể về tình yêu nước Nga trong trẻo của mình. Ông say sưa nói về hệ thống tàu điện ngầm ở Moscow đã khiến ông mê mẩn đến nhường nào. Dù đã bao năm không quay lại nhưng ông có thể kể vanh vách những con đường ở Nga, những con phố có tuyết phủ đầy vào mùa đông hay những vị tướng của nước Nga và chức vụ của họ.

Ông Hưởng bảo nước Nga là quê hương thứ hai của mình nên ông không ngừng tìm hiểu về nó. Mấy chục năm nay ông luôn tìm đến mấy tiệm sách cũ hoặc những người bán sách dạo bên đường để tìm mua sách về nước Nga. Biết bạn bè của mình đi Nga, ông nhờ mua sách hay những tấm bản đồ mới nhất về hệ thống tàu điện ngầm của Nga... Có hôm đi chợ thay vợ, thấy có cô bán dạo bán sách về nước Nga, ông dành hết số tiền đó mua sách, quên luôn cả việc phải mua thức ăn như lời vợ dặn.

Đọc sách báo thấy có hình ảnh về nước Nga, ông Hưởng lại cắt ra rồi đi ép nhựa làm tài liệu riêng cho mình. Ông có cái thú mê bản đồ của nhiều nước trên thế giới, sách báo của ông về nước Mỹ hay Canada cũng nhiều lắm. Ông khẳng định: “Mỹ thì tôi đọc cho biết, thấy thích cái gì thì tìm hiểu thôi. Duy nhất với nước Nga thì sách báo, tài liệu của tôi phải nhiều hơn những nước khác. Làm sao mà bằng nước Nga của tôi được...”!

Suốt cuộc trò chuyện, ông cứ say sưa với bốn chữ “nước Nga của tôi” như thế rồi dắt người nghe đi qua biết bao câu chuyện về hình ảnh và con người nước Nga.

Ông Đặng Giao Hưởng ngỏ ý tặng ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM một số tài liệu về nước Nga trong buổi khai mạc Tuần lễ sách Nga tại TP.HCM. Ảnh: LẠC HIÊN

Những bài học về tình người

Cho đến nay ông Hưởng vẫn nhớ như in cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga, mảnh đất mà ông chỉ từng biết đến trước đó qua sách báo. “Nói làm sao được nhỉ, được đặt chân đến đất nước mà mình thương quý, mơ mộng nên xúc động lắm, hạnh phúc lắm. Mộng ước đã thành nên mãi không thể quên được cái lần đầu tiên đó” - ông nói.

Ký ức về “cái lần đầu tiên” đó ông vẫn cất giữ cho đến tận hôm nay. Tấm vé đầu tiên mà ông mua để đi lại khi đến Nga bằng nhiều phương tiện vào năm 1982 ông vẫn còn cất giữ như báu vật. Lật tìm trong giỏ xách nhỏ của mình, ông nói: “Đây là vé mà tôi mua vào tháng 3-1982 đi tàu điện bánh hơi, đi ô tô buýt. Tôi giữ mãi đến tận hôm nay, phải cất kỹ lắm đó”.

Ông kể về con người Nga, về cụ bà ngồi canh xe trong khu ký túc xá mà ông hay trò chuyện, về bài học đầu tiên mà ông nhận được từ người Nga. “Có lần tôi với cô bạn cùng đi với nhau lên chuyến tàu điện ngầm. Hôm đó còn đúng hai ghế nhưng ở hai hàng ghế đối diện nên buộc chúng tôi phải tách nhau ra. Một người Nga ngồi ở hàng ghế đối diện đã đến bắt chuyện và ngỏ ý sẽ đổi ghế để tôi với cô bạn có thể được ngồi cạnh nhau. Đó là bài học cư xử đầu tiên mà tôi được học, họ rất nhã nhặn, biết ý và luôn quan tâm đến người khác. Họ đôn hậu, thật thà và chân thành lắm” - ông nói.

Ngày tôi đến nhà thăm, ông ra đón tôi rồi chỉ tay vào chiếc áo mà ông đang mặc trên người với vẻ hào hứng: “Cái áo này cô có thấy nó có màu sắc lạ lắm không?”. Tôi chưa kịp hiểu hết ý thì ông đã cười hồn hậu: “Nó sọc ngang có ba màu là màu cờ nước Nga đấy. Tôi mất công lắm mới tìm ra được nó đó”.

Mong một lần thăm lại nước Nga

Khi tôi hỏi thời điểm này ông muốn thực hiện điều gì với nước Nga nhất, ông trầm ngâm một lúc rất lâu. “Đời tôi chỉ mong có thể quay lại nước Nga một lần nữa trước khi già yếu. Đó chắc là lần thứ ba mà cũng là lần cuối cùng tôi đến Nga... Đó cũng là món nợ ân tình cuối cùng mà tôi muốn trả cho nước Nga” - ông trở nên trầm lặng hẳn đi... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm