‘Cô gái nhận nuôi con nghi của tử tù' sẽ bị xử lý như thế nào?

Trưa 19-5, cửa nhà Bích Trâm đóng im ỉm, phía trước phơi nhiều quần áo trẻ con. Ảnh: HL

Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được là cơ quan công an đã mời Bích Trâm và gia đình lên làm việc.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, pháp luật sẽ điều chỉnh hành vi của cô gái trong trường hợp này như thế nào? PLO giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Luật sư Phạm Hoài Nam, Công ty Luật TNHH MTV Bến Nghé-Sài Gòn.

Xem xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của Trần Ngọc Bích Trâm đã vi phạm các quy định pháp luật tại Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Việc Bích Trâm sử dụng hình ảnh của bé gái mà chưa được sự đồng ý của cha mẹ cháu bé là vi phạm quyền nhân thân (cụ thể là quyền hình ảnh) của bé và hơn nữa lại sử dụng hình ảnh này vào mục đích làm sai lệch sự thật “bé gái là con tử tù” đã xâm phạm trực tiếp tới danh dự, nhân phẩm và uy tín của cháu bé và gia đình.

Hành vi này còn vi phạm khoản 6, Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cụ thể là hành vi “lợi dụng trẻ em nhằm mục đích trục lợi” và hình thức xử lý được quy định cụ thể tại điều 13 Nghị định 91/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cụ thể trong trường hợp này, Trâm đã sử dụng hình ảnh của bé gái phục vụ cho câu chuyện bịa đặt của mình nhằm mục đích đem lại lợi ích cho bản thân. Hành vi của Trâm là sử dụng hình ảnh của trẻ em để trục lợi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em, do đó Trâm có thể bị xử phạt lên tới 5.000.000 đồng. Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, thì cần phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn như yêu cầu gỡ bỏ thông tin, yêu cầu cải chính và bồi thường thiệt hại nếu như có yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc Bích Trâm tung hình em bé lên mạng với thông tin “bé gái là con tử tù” bỏ rơi nhờ cô nuôi hộ với mục đích câu like còn vi phạm Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Cụ thể đó là hành vi: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”, hành vi này bị xử phạt theo quy định Điều 64 Nghị định 174/2013 Quy định về xử phạt 30 triệu đồng đối với việc có hành vi sau: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức".

Ngoài ra, đối với hành vi đưa tin đồn thất thiệt của Bích Trâm, nếu đã bị xử phạt hành chính trước đó nhưng vẫn cố tình tiếp tục thực hiện hoặc nó gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan Công an có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 226 Bộ luật Hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” có khung hình phạt cao nhất từ 2 năm đến 7 năm tù.

Như vậy, xét về góc độ pháp lý thì Cơ quan chức năng cần căn cứ vào các quy định của pháp luật và căn cứ vào mục đích và động cơ tung tin của Trần Ngọc Bích Trâm cũng như những tác hại của sự việc đó như thế nào với toàn xã hội để xem xét xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm