Chuyến xe bí mật chở kho báu ngày xuân

Những cổ vật khi còn nằm dưới biển luôn bên cạnh bộ xương người như thần giữ của này sẽ được đưa vào nhà bảo tàng. 

Bà Võ Thị Hạnh Dung, Giám đốc Công ty Đoàn Ánh Dương liên tục nhấc điện thoại: “A lô, tình hình ra sao?”. Từ Sài Gòn về Quảng Ngãi là 750 km, xe đi khoảng 20 tiếng đồng hồ. Cứ một tiếng đồng hồ có một cuộc điện thoại hỏi thăm tình hình kho báu.

Chiếc tàu cổ chìm cách đây 700 năm ở vùng biển Bình Châu tỉnh Quảng Ngãi từng được trục vớt cách đây 5 năm. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Tài xế xe tải chỉ biết sau xe tối om là những thùng xốp được chèn bằng bao trấu, nệm mà không biết rằng trong những chiếc thùng là những cổ vật được trục vớt từ 7 con tàu cổ bị đắm trên biển ở độ sâu 74 mét, đã ngủ yên vài trăm năm.

Tôi từng hỏi ông Đoàn Sung (chồng bà Dung), nhân vật chủ chốt của công ty này về một vài cổ vật đẹp mắt, như chiếc đĩa men xanh đời nhà Minh có hình ảnh chim hạc, đường kính hơn 30 cm… trị giá bao nhiêu? Ông Sung chỉ cười, thoáng chút lo ngại và không có câu trả lời.

Anh Tuấn, một người chuyên sưu tầm tượng Phật cổ và cổ vật Chăm pa ở Sài Gòn, cho biết: “Một chiếc đĩa này có giá cả vài chục ngàn USD”. Tôi hiểu, chuyện công bố rộng rãi giá trị đôi khi lại trở thành điều kiêng kị vì nó kích thích lòng tham.

Một chiếc bình tỳ bà men gốm Chu Đậu nặm vàng trên hoa văn nổi. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Một ngôi nhà cốt thép được xây dựng phía sau Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi sẽ trở thành boong ke để cất giữ kho báu. Nhà bao gồm 1 tầng hầm, 2 tầng nổi, diện tích hơn 300 m2. UBND tỉnh cấp cho công ty theo cách thức xã hội hóa ngành bảo tàng để góp phần thu hút du khách đến với bảo tàng tư nhân.

Bà Dung có lẽ là người đang sở hữu nhiều cổ vật tàu đắm nhiều nhất Việt Nam. Những cổ vật từ 7 con tàu đắm được trục vớt từ 20 năm trước ở vùng biển của các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam... bà đều có. Cổ vật có niên đại từ thế kỷ 13 đến thể kỷ 15, 16 cũng có. Dưới những con tàu cổ này luôn có bộ xương người, giống như thần giữ của. Bộ xương người vớt được dưới con tàu cổ ở Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam đã cho kết quả xét nghiệm là một phụ nữ Thái Lan.

Tối 28-1, dưới ánh đèn mờ hắt ra từ ngôi nhà trưng bày được xây dựng như một boong ke chắc chắn, bà Dung gặm ổ bánh mì khô để giám sát toàn bộ cổ vật được đưa vào hầm nằm phía sau cánh cửa thép cuốn. Chiều ngày hôm sau (29-1) sẽ là lần đầu tiên ra mắt giới thiệu với chính quyền và người dân tỉnh Quảng Ngãi những cổ vật bí ẩn dưới đáy biển sau nhiều năm ngủ vùi trong kho.

Đĩa men xanh gốm sứ nhà Minh, niên đại thế kỷ 15. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Bà Dung quê gốc ở Quảng Ngãi, thời trẻ vào Sài Gòn lập nghiệp. Hơn 6 năm trước, bà liên tục xuất hiện trước truyền thông khi tuyên bố hiến tặng hơn 70% số cổ vật của công ty đã được chia phần (sau khi tham gia trục vớt tại Cù Lao Chàm) cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Nam (2.838 cổ vật). Thời đó, trông bà có vẻ khá bình dân, mặc áo sơ mi cổ bẻ, áo dài tay, khuôn mặt make up sơ sài. Nay gặp lại, cách ăn mặc của bà dường như bị cổ vật "ám" với áo tím viền vai, tay rũ, nét mặt hơi phảng phất kiểu người Việt xưa cũ.

Trải khắp nền nhà trưng bày là rất nhiều loại bát, đĩa, bình gốm sứ... Bình kendy gốm sứ Chu Đậu được người xưa thiết kế kiểu bình của Nhật Bản, giới cổ vật đánh giá nếu chiếc bình này còn nước men sáng, không bị sứt mẻ thì được tính theo giá ngàn đô la.

Kế đó là chiếc bình rót ngược trông khá lạ mắt, bình không có nắp đậy, nếu rót rượu thì đổ vào miệng nằm dưới đáy bình, sau đó dốc ngược lên để chế rượu. Loại bình này rất hiếm vì có lẽ người xưa cũng nhận ra được khuyết điểm của nó là không thể thò tay vào để súc rửa bên trong. Giới cổ vật còn gọi đây là ấm quả đào.

 Từ ngày 29-1 đến 10-2 (tức 24 tháng Chạp đến mùng 6 Tết Kỷ Hợi 2019), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi mở cửa tham quan miễn phí khu trung bày Bảo vật Quốc gia và hiện vật tàu cổ đắm trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.

 Tại đây trưng bày các đĩa men ngọc trang trí đề tài hoa lá, gốm sứ, lọ với hơn 100 hiện vật được khai quật từ tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) năm 2013. Các hiện vật có niên đại thế kỷ XIII, các bản thảo phác họa sơ đồ mặt bằng tàu cổ Bình Châu và hình ảnh khai quật.

Bí mật ‘con tàu ma’
Bí mật ‘con tàu ma’
(PL)- Phát hiện con tàu đắm chứa đầy cổ vật, những ngư dân liền đồn thổi đó là “con tàu ma” rồi lén lút đưa thợ lặn đến trục vớt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm