Chuyện ông trưởng thôn 34 năm bền bỉ

Về thôn Nho Lâm, xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) hỏi thăm nhà trưởng thôn Bùi Văn Cang, nhiều người hỏi ngay: Tìm trưởng thôn Cang à? Ông ấy là trưởng thôn bền bỉ nhất. Mấy đời lãnh đạo địa phương thay đổi nhưng ông vẫn cứ là trưởng thôn.

 “Dân có giàu thì thôn mới mạnh”

Khi nghe kể chuyện bà con nói về ông, ông cười xác nhận: “Bà con nói đúng đấy. Mình làm trưởng thôn lâu lắm rồi nên bà con thương”.

Đưa tôi ra cánh đồng Nà lúa đang kỳ chắc hạt tốt bời bời, ông kể: Hồi trước cánh đồng này mỗi năm chỉ làm một vụ lúa gieo. Có năm lúa trổ gió bấc thổi hoặc năm khô hạn thì chỉ sạ lúa… lấy rơm.

10 năm trước, huyện hỗ trợ kinh phí làm kênh để dẫn nước Liệt Sơn về. Ông Cang biết bà con trong thôn còn nghèo. Nếu làm kênh đảm bảo chất lượng, tính theo đầu sào mỗi hộ phải đóng 400.000 đồng là méo mặt. Nhưng không đóng, làm kênh kém chất lượng rồi lại hư hỏng thì còn tệ hại hơn. Ông Cang họp dân để “cùng biết, cùng bàn”. Bà con nghe số tiền đóng góp cũng có người méo mặt thật. Nhưng họ hiểu tấm lòng ông Cang nên đồng thuận đóng góp. Cầm quyển sổ trong tay, ông Cang đến từng nhà để thu.

Tuyến kênh Đồng Nà hoàn thành trong niềm vui của dân làng. Dòng nước mát từ hồ Liệt Sơn đổ về tưới cho 40 ha ruộng lúa. Vụ hè thu năm 2017 này lúa tốt ước tính năng suất 80 tạ/ha.

Thôn Nho Lâm thuộc vùng gò đồi đất đai cằn cỗi. Khi nghe huyện phổ biến chương trình nuôi bò lai, nhiều xã phân vân. Nhưng trưởng thôn Cang thì gật đầu: “Cái chương trình ấy ai chê thì cho thôn của tôi thực hiện”. Thế là chương trình cải tạo đàn bò được tiến hành ở Nho Lâm. Những vạt đồi thưa, những thửa ruộng chân cao và cả dọc hai bên đường vào các xóm bỗng chốc biến thành nơi trồng cỏ voi. Nhiều hộ trong thôn đầu tư tiền của xây dựng chuồng trại thoáng mát để chăn nuôi. Nhiều hộ sau một năm chăn dắt vỗ béo bò bán lãi ròng trên trăm triệu. Làm ăn có hiệu quả, họ càng quý ông trưởng thôn năng động.

Nông dân Thái Hoàng Chương nhận xét: “Anh Cang được bà con tín nhiệm là nhờ ảnh biết người, biết việc, biết vận động bà con làm ăn để cuộc sống khá dần lên. Bởi dân có giàu thì thôn mới mạnh mà!”.

Trưởng thôn Bùi Văn Cang (bên phải) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: VÕ QUÝ

Làm đường đến tận nghĩa địa

Thôn Nho Lâm bây giờ tất cả tuyến đường đều được bê tông hóa. Đêm về điện sáng trưng các lối. Trưởng thôn Cang nhẩm tính: Ngoài ba trục đường chính của thôn dài 1,8 km còn có 13 tuyến đường ngõ xóm dài trên 2,3 km đều đã được bê tông hóa. Ông Cang nhớ lại: Hồi mới phóng tuyến xây dựng đường, có hộ thấy đường lấn vô vườn là lắc đầu, nói lấy đất làm đường thì phải bồi thường chứ. Bí thư chi bộ Nguyễn Thành cùng trưởng thôn Cang lại phải đến từng nhà vận động. Cứ nhỏ to thuyết phục rồi dân trong thôn cũng đồng ý hiến trên 5.400 m2 đất để mở đường.

Làm đường nhà nước hỗ trợ 70% xi măng, phần còn lại huy động sức dân. Dân thôn Nho Lâm nhiều năm trước làm ăn có hiệu quả nên đã đồng tình đóng góp gần 384 triệu đồng để xây dựng đường. Tuy vậy, để đỡ phần đóng góp của bà con, trưởng thôn Cang và Bí thư chi bộ Nguyễn Thành lại thay phiên nhau đi vận động các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp.

Ông Bùi Văn Cang có lẽ là người có thâm niên giữ chức trưởng thôn cao nhất tỉnh. Ông được bà con tín nhiệm nhờ sự trung thực, nhiệt tình, biết mở hướng làm ăn cho bà con trong thôn, xứng đáng là tấm gương “bình dị mà cao quý”.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Đức Phổ
NGUYỄN VĂN HƯỜNG

Không chỉ làm tốt chuyện “dân biết, dân bàn” mà còn cần sự minh bạch nên làm tuyến đường nào thôn cũng đề nghị bà con bầu đại diện nhân dân để kiểm soát công trình. Đồng thời mỗi công trình thi công phải ghi nhật ký xây dựng. Ông Nguyễn Văn Mẫn, dân trong thôn, nói: “Cách làm việc rõ ràng, không tơ hào của dân như lão Cang thì ai mà không tin”.

Theo cách làm này, mỗi năm ở Nho Lâm lại có thêm những tuyến đường bê tông mới. Nhưng rồi cứ mỗi lần thôn có người qua đời bà con kéo nhau đưa tang đến nghĩa địa của thôn. Ngày nắng ráo đi lại dễ dàng nhưng khi trời mưa xuống đoạn đường ra nghĩa địa bùn đất khó đi. Trưởng thôn Cang họp bà con bàn chuyện thi công con đường. Thế là 185 m đường ra nghĩa địa lại được thi công.

Nỗi lòng ông trưởng thôn

Ở Nho Lâm, tính từ sau ngày đất nước thống nhất có hai người từng giữ chức trưởng thôn rồi đến ông Cang kế nhiệm. Ban đầu được bầu làm trưởng thôn, được bà con tín nhiệm ông Cang cũng khoái. Nhưng rồi sau cái sự khoái ấy là sự nỗ lực vì cộng đồng. Ông bộc bạch: “Chú nghĩ coi, trưởng thôn chỉ có hai con mắt, còn dân ở thôn đến 926 người nhân đôi là trên 1.800 con mắt. Nếu mình làm việc không nhiệt tình hay thiếu minh bạch, tơ hào tiền của của bà con hoặc dùng tiền đóng góp mà làm không hiệu quả thì bà con phản đối liền. Tuy vậy, trung thực cũng chưa đủ mà phải nghĩ cách làm ăn cho bà con trong thôn. Không làm được điều này, cuộc sống khó khăn vây bủa, làm sao bà con tín nhiệm được”.

“Cũng có lúc thấy mệt mỏi mình xin từ nhiệm chức trưởng thôn hoặc cũng có khi cấp trên thấy mình “vác tù và hàng tổng” lâu quá nên thường đề nghị bà con họp bàn thay người khác. Nhưng rồi bà con lại tín nhiệm, lại bầu nên mình phải làm thôi. Công việc trưởng thôn bận rộn. Nhưng mình làm được việc có ích cho làng, cho xóm là vui”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm