Những người bảo vệ động vật hoang dã ở Cà Mau - Bài 1

Chuyện ở Vồ Dơi: Thả thú về rừng, niềm vui lớn hơn tiền bạc

Dương Văn Nhã vô tình bắt được một con trăn gấm rất đẹp, tầm 3 kg. Nếu như trước đây anh đã chẳng nghĩ ngợi nhiều, thịt nhậu thì nay, với biết bao chuyện lạ xảy ra ở cánh rừng già Vồ Dơi này, anh đắn đo, do dự...

LTS: Rừng Vồ Dơi, tỉnh Cà Mau là nơi nuôi dưỡng động, thực vật hoang dã quý hiếm của cả nước. Nơi đây có những trái tim yêu muông thú, cỏ cây hoang dã. Chúng tề tựu về đây ngày càng đông. 

Chuyện bắt được con trăn gấm đẹp của Nhã xảy ra hồi mùa hạn năm 2020. Trong lúc đi ra ruộng của mình, anh nhìn thấy một con trăn gấm đang phơi nắng. Là một cán bộ vườn quốc gia, với thú rừng, anh có cách tiếp cận nên bắt nó dễ dàng. Cái khó là cuộc đấu tranh với bản thân anh về việc thịt nó, mời bạn bè nhậu hay là thả nó vào vườn quốc gia.

Kỹ sư Truyền cứu sống chú khỉ Titi năm 2010. Ảnh: TRẦN VŨ

Mang thú hoang dã đến nhờ cán bộ thả về rừng

Nhã kể lại giai đoạn đấu tranh tư tưởng ấy: “Khi vào nhà, ngắm vẻ đẹp của con trăn gấm mới bắt được, tôi nhớ ngay đến một con trăn gấm khác, nặng 7,4 kg. Đó là con trăn của vợ chồng anh Toàn ở xã Tân Thành, TP Cà Mau. Hồi đầu năm 2019, trong một chiều mưa, vợ chồng anh Toàn đi xe máy ghé vào trụ sở vườn quốc gia. Tôi đã xúc động khi tiếp xúc với vợ chồng anh ấy”.

Vợ chồng anh Toàn trình bày với cán bộ phòng bảo tồn Vườn quốc gia U Minh Hạ rằng lúc đi gặt lúa thuê ở Sóc Trăng, anh đã bắt được con trăn này. Vợ chồng anh sau đó quyết định mang nó đến Vườn quốc gia U Minh Hạ để thả nó về với thiên nhiên.

Nhã nhớ nhất là câu trả lời của anh Toàn khi được hỏi vì sao không bán như bao người khác vẫn làm. Anh Toàn khi ấy bảo: “Vợ chồng tôi biết bán cũng được hơn triệu đồng. Nhưng nghĩ nếu thả nó trở về rừng thì lòng dạ sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ, hạnh phúc. Cái đó nó quý hơn nhiều so với tiền bạc”.

Nhã kể tiếp: “Hai năm trước, vườn đón một đoàn khách đến từ tỉnh Sóc Trăng. Họ đến xin gặp ban giám đốc để hỏi thăm chuyện bảo vệ động vật hoang dã như thế nào. Cán bộ kỹ thuật mang ra những tấm bẫy ảnh có nhiều nai, heo, khỉ, rái cá. Sau cùng họ mang ra bẫy ảnh một cặp tê tê, người dân thường gọi là con trút. Họ đã nhờ vườn thả nó vào rừng. Cặp tê tê đó rất quý giá, ngoài chợ đen người ta tìm mua nó giá mấy triệu một ký nhưng họ đã trả nó về tự nhiên”.

Rồi chuyện một ông nông dân ở huyện Trần Văn Thời nuôi con trăn to đến 60 kg nhưng không bán, đem đến vườn nhờ thả về rừng…

“Những năm gần đây, người dân ngày càng mang nhiều con chim, thú quý hiếm đến đây để trả nó về với đời sống hoang dã. Những nghĩa cử đó đánh vào suy nghĩ của cán bộ, nhân viên vườn và cả người dân địa phương nơi đây. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều người có chuyển biến rất tích cực trong suy nghĩ về bảo vệ động vật hoang dã” - anh Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết.

Anh Truyền sưu tầm các mẫu vật đa dạng sinh học từ năm 2010.
Ảnh: TRẦN VŨ

Chàng kỹ sư cặm cụi bảo tồn chim, thú

Nói đến những con người biết yêu thương muông thú, các cán bộ vườn nhắc ngay đến anh kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền. Anh tất nhiên không dám nhận là người đầu tiên của vườn biết yêu thiên nhiên hoang dã nhưng anh em ở vườn phải thừa nhận sự xuất hiện của anh là một điều thú vị cho rừng già Vồ Dơi.

Từ gần 20 năm qua, trước khi Nhà nước lập khu vực rừng Vồ Dơi này là vườn quốc gia, nơi đây đã xuất hiện những con người của rừng già. Họ là những kỹ sư lâm sinh, những người được đào tạo đủ để hiểu rõ giá trị của rừng nguyên sinh đối với sự sống của con người, của Trái đất. Trong đó có kỹ sư Nguyễn Tấn Truyền.

Anh về khu rừng này từ gần 10 năm trước, gây sốc cho nhiều người bởi một tình yêu muông thú lạ kỳ. Nhiều anh em cùng chung sống nhớ hoài câu chuyện chú khỉ Titi của anh Truyền.

Đó là vào năm 2010, trên đường đi tuần tra chống cháy rừng Vồ Dơi, anh Truyền phát hiện một con khỉ con lạc bầy. Anh đã mang nó về chốt của mình, mua sữa chăm nó như con mọn, đặt tên nó là Titi. Titi lớn dần, quấn quýt anh, ai nhìn cũng thích thú. Nhưng một ngày nọ, anh đã giúp nó hòa nhập bầy đàn và trở về với hoang dã.

Bây giờ, khi nói đến kỹ sư Truyền, cán bộ, người dân ở Vồ Dơi đều liên tưởng đến hình ảnh một gã gầy gầy, lưng tôm tôm, suốt ngày cặm cụi với công việc bảo tồn, đa dạng sinh học. Khi thì gã rượt đuổi những con bướm để lấy mẫu cho bộ sưu tập, lúc lại mang về một cây rừng rồi nâng niu, chăm chút.

Gã này cũng chỉ hứng thú khi nói chuyện về chim, thú, cây rừng. Gã vẫn thường làm phiền anh em, cô bác vì cứ gặp nhau là thủ thỉ chuyện không nên ăn thịt rừng nữa, cả không ăn thịt chim cò…

Vậy đó nhưng gã đã có một sự ảnh hưởng từ hồi nào không biết đến nhiều anh em vườn quốc gia và cả người dân địa phương. Có lần anh Vinh (một thợ săn đã bỏ nghề) đang ăn cơm với vợ con bỗng bỏ chén, rượt theo một con bướm lạ. Vợ thắc mắc thì anh lý giải là bắt cho anh Truyền nghiên cứu. Rồi một cán bộ khác đã giành giật con cá rô đồng có màu vàng kỳ lạ từ việc khai thác kênh khoanh nuôi của vườn cũng chỉ để “đem về cho anh Truyền nghiên cứu”.

Hiểu anh đến mức nhiều cán bộ vườn mỗi khi phát hiện một dấu vết lạ trong rừng, nghi là của một loài thú mới xuất hiện liền chạy về báo với anh Truyền. Rồi anh em cùng nhau ra chụp ảnh, đo đạc, nghiên cứu.

Khi chúng tôi về công tác để viết bài này, anh Truyền rất vui mừng khoe vừa phát hiện sự xuất hiện của loài mèo cá. “Các anh em đi tuần tra nhìn thấy nó rồi. Tôi đã đặt bẫy ảnh để thu thập hình ảnh của nó. Đó là loài rất quý hiếm, có trong Sách đỏ thế giới đó chứ không chơi đâu” - anh Truyền hồ hởi.

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm