Chuyện đời bà Út ve chai

Ngôi nhà nhỏ 687/60/17 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình (TP.HCM) nằm trong con hẻm nhỏ chỉ vừa một người đi chính là nơi ở của bà Út ve chai (70 tuổi) cùng với cháu nội. Tôi tìm đến, nghe hàng xóm nói bà Út vừa mới đi lấy ve chai của người ta cho.

Nhặt ve chai vừa trị bệnh vừa nuôi cháu

Lát sau bà Út về, thở hổn hển, cầm trên tay bao ve chai tươi cười chào tôi, nói: “Tui mới đi sang nhà hàng xóm để gom ve chai. Người ta gọi tui sang lấy về bán kiếm tiền mua gạo, mua thuốc uống cô à!”.

Căn nhà nhỏ ẩm thấp, vách tường đã nứt, đồ đạc không có gì ngoài đống ve chai, cái xe đạp cũ kỹ: “Tất cả đều là của người ta cho đó cô” - bà Út nhẹ giọng nói.

Bà Út tên thật là Hồ Thị Hạnh nhưng hàng xóm quen gọi là bà Út ve chai. Căn nhà đang ở được bà Tư gần bên cho. “Lúc trước tui ở chung với người chị, hai chị em cãi nhau nên thôi tui tách ra. Không có nhà, tui lấy mấy cái mền cũ cùng vài cây tre chống ở tạm. Thấy tui khổ, bà Tư cho bà cháu tui ở tạm căn nhà nhỏ này, khi nào tui mất thì bả lấy lại. Vì lo cho thằng cháu nhỏ, không cha, không mẹ, sợ nó không có chỗ ở nếu lỡ tui mất đi nên tui phải ráng sống cho tới bây giờ đó cô”.

Mười mấy năm qua bà Út chật vật chống chọi với căn bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, hen suyễn và cao huyết áp. Giữa câu chuyện, bà dừng lại thở gấp, ho liên tục, lấy lại hơi rồi mới nói chuyện tiếp. Trước đây, ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng là bà Út lại đạp xe đi nhặt ve chai ở những thùng rác quanh xóm. “Từ khi đổ bệnh, tui chỉ đi lượm quanh xóm, không kiếm được bao nhiêu. Có ngày không lượm được gì bà cháu tui không có cái ăn, đành phải xin hàng xóm miếng ăn cho qua ngày. Cũng may bà con trong xóm thương, nhiều người gom ve chai lại kêu tui tới lấy. Có người còn mang sang tận nhà cho tui” - bà Út ngậm ngùi chia sẻ.

Bà Lê Thị Sen, hàng xóm của bà Út, cho biết: “Hai bà cháu sống khổ lắm cô ơi, không có nhà ở, tui thương tình cho ở tạm căn nhà nhỏ của tui kế bên mười mấy năm qua. Bà Út bị bệnh phổi, nặng lắm nhưng phải gượng sức nhặt ve chai nuôi cháu nội. Bà con ở đây ai cũng thương, hay đem đồ ăn, gom ve chai đem qua cho bà Út. Những lúc bệnh trở nặng, không có người thân chăm sóc, thằng Khang còn nhỏ không thể chăm lo cho bà nội, thành thử một tay tôi lo, chở bà Út vô bệnh viện”.

Bà Út đang lựa ve chai để bán. Ảnh: MINH TÂM

Hằng tháng bà Út phải đi khám định kỳ. Ngặt nỗi tiền ăn còn không đủ mà còn phải lo thêm tiền thuốc men, bao nhiêu cái khổ nó đổ hết trên mình bà. Năm 2004, bà tưởng mình chết vì lúc đó bệnh nặng lắm: “Tóc tui rụng hết giống như người bị bệnh ung thư. Nhưng trời còn thương tui vì tui mà chết thì lấy ai nuôi đứa cháu côi cút”.

Cô Hiệp, một người hàng xóm, thấy bà Út bệnh đau thường gom góp ve chai đem cho bà. Cách đây hơn một năm, chồng cô qua đời, còn lại máy trợ tim và máy thông đường thở cô đem cho bà Út. Nhờ có cái máy mà giúp bà Út gượng tới bây giờ.

Bà cháu vì nhau

Cuộc đời bà Út là một câu chuyện dài buồn khổ. 30 năm trước, chồng qua đời khi bà ở tuổi 42, bà ở vậy nuôi ba người con hai trai, một gái. Số phận nghiệt ngã lại không chịu buông tha. 12 năm sau đó, người con gái duy nhất bị nhiễm HIV qua đời, tiếp theo con dâu và đứa con trai lớn của bà cũng lần lượt mất, để lại cho bà đứa con nhỏ vừa biết nói. Nỗi đau mất người thân khiến bà không còn nước mắt để khóc.

Cô Mai gần nhà bà Út kể khi hai đứa con bà mất, bà cũng không có tiền để lo ma chay. Xóm giềng phải đi vận động từng nhà xin tiền để chôn cất.

Chưa dừng lại ở đó, người con trai còn lại của bà lấy vợ được mấy năm tự nhiên phát bệnh tâm thần đến nay vẫn chưa khỏi. “Rồi cũng một tay tui lo, vừa chăm con bệnh tâm thần trong lúc vợ nó đang sanh, vừa nuôi cháu nhỏ, trong khi tui cũng đang đau yếu vì bệnh. Khi con tui đỡ bệnh về nhà vợ, mỗi tháng tui phải ra phường lấy thuốc tâm thần rồi lặn lội hoặc nhờ người quen mang lên tận La Ngà (Đồng Nai) để cho nó điều trị” - bà Út nói.

Tuy đói nghèo, bệnh tật đầy người nhưng có đứa cháu là niềm vui, hy vọng, an ủi bà Út. Nhìn thằng cháu nội, giọng bà vui hơn: “Tui sống đến giờ này là cũng vì thằng Khang. Tội nghiệp, học tới lớp 8 nó đã phải nghỉ. Nó có khuôn mặt sáng, đẹp trai và giống ba như đúc. Hôm rồi nó nói với tui: “Bà nội đừng lo, đủ 18 tuổi con xin đi nghĩa vụ quân sự”, tui nghe mà mừng trong bụng” - bà nói.

Mới đây, một cơ sở làm kéo gần nhà thương Khang nên nhận em vào làm công. Khang nói: “Em thương bà nội lắm, thấy bà nội lượm ve chai cực quá nên thôi em nghỉ học để đi làm lo cho nội. Em không mong gì hơn là nội em luôn khỏe mạnh, sống với em. Em sẽ xin nhập ngũ để nội em yên lòng là em không lêu lổng…”.

Hoàn cảnh bà Hạnh (bà Út) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mỗi năm phường có hỗ trợ quà Tết, trợ cấp BHYT cho hai bà cháu, đối với cháu Khang thì phường có hỗ trợ học bổng, xe đạp cho cháu đi học. Do bà Hạnh không có hộ khẩu tại phường, chỉ sống tạm trong nhà của người khác nên phường không thể hỗ trợ nhà tình thương cho bà.

Chị THÁI THỊ HỒNG NHI, cán bộ chuyên trách giảm nghèo phường 10, quận Tân Bình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm