Chuyển công an điều tra 14 công ty nợ gần 40 tỉ tiền bảo hiểm

Ngày 20-12, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An thông tin, đã chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan của 14 doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền lớn, số tháng nợ kéo dài cho Cơ quan công an tỉnh Nghệ An để điều tra, xử lý.

Theo danh sách, có 14 đơn vị đóng trên địa bàn Nghệ An nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN tính đến hết tháng 11-2018 với tổng số tiền gần 40 tỉ đồng. Có công ty chây ì nợ tiền bảo hiểm đến 79 tháng.

Công nhân, người lao động thuộc Công ty CP 482 vào Trụ sở tiếp dân UBND tỉnh Nghệ An phản ánh bị nợ bảo hiểm, nợ lương thì nhận được thông tin trụ sở công ty đã bị ngân hàng "siết nợ". 

Trong đó, BV Thành An Sài Gòn-chi nhánh Công ty TNHH MT Minh Khang nợ 32 tháng với số tiền hơn 3,3 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 3 Nghệ An nợ 33 tháng với hơn 2 tỉ đồng; Công ty CP 482 nợ bảo hiểm 43 tháng với số tiền hơn 16 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng và Thương mại 423 nợ 29 tháng số tiền hơn 3,8 tỉ đồng;

Công ty CP tư vấn và Xây dựng công trình Miền Trung nợ 62 tháng với số tiền 725 triệu đồng; Công ty CP Cây dựng công trình An Gia Phát nợ 79 tháng số tiền hơn 420 triệu đồng; Công ty CP 475 nợ 33 tháng với số tiền gần 4,5 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9 nợ 29 tháng với số tiền hơn 2,7 tỉ đồng;

Công ty CP Thương mại Sơn Hà Electronics còn nợ 16 tháng số tiền hơn 700 triệu đồng; Công ty TNHH Long Minh nợ 22 tháng số tiền hơn  178 triệu đồng; Công ty CP Công trình 791 nợ hơn 10 tháng với số tiền 860 triệu đồng; Công ty CP thiết kế Đông Dương nợ hơn 32 tháng với số tiền hơn 400 triệu đồng; Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An nợ hơn 20 tháng với số tiền 1,4 tỉ đồng;

Công ty CP xây dựng và đầu tư 368 nợ 9 tháng với hơn 170 triệu đồng.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thanh tra và kết luận 3 doanh nghiệp, BHXH tỉnh Nghệ An thanh tra 6 đơn vị rồi Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính các công ty nợ bảo hiểm. Có 10/14 đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính về hành hành vi nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN

 BHXH Nghệ An đã gửi văn bản đôn đốc cho các công ty, doanh nghiệp tuy nhiên 14 công ty trên vẫn không chấp hành. Do vậy, BHXH Nghệ An đã chuyển hồ sơ để Công an tỉnh Nghệ An điều tra, xử lý theo Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động) của Bộ Luật Hình sự 2015.

- Điều 216, Bộ Luật Hình sự 2015:

1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm