Chuyện chàng Lộc ‘trâu’ 7 năm nấu, phát cơm miễn phí

Đến ấp 4, xã Tân Kiêng, huyện Bình Chánh, TP.HCM hỏi thăm Lộc “trâu” hay Lộc “thiện nguyện” ai cũng biết. Lộc “trâu” tên thật là Nguyễn Trọng Minh Lộc, năm nay 33 tuổi. Lộc cho biết anh có biệt danh Lộc “trâu” vì hồi nhỏ anh chàng nghịch ngợm và “lì như trâu”.

Mua một tấn gạo ngon giúp người nghèo chống dịch COVID-19

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, khi Chính phủ có lệnh cách ly toàn xã hội, chàng trai trẻ Lộc “trâu” nghĩ ngay đến những người nghèo khổ mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhặt ve chai, người lao động chân tay… Hẳn là cuộc sống của họ sẽ khó khăn hơn và cần nhiều hơn những suất cơm hay những phần gạo miễn phí.

Không đắn đo suy nghĩ, Lộc “trâu” nhanh chóng lấy số tiền dành dụm gần 15 triệu đồng để mua một tấn gạo ngon cơm dẻo mềm và thơm rồi phân ra mỗi phần quà gồm 5 kg gạo cùng mì tôm, khẩu trang do bạn bè anh đóng góp thêm để mang đi phát tận nơi cho người nghèo.

“Đối với nhiều người bấy nhiêu chẳng là gì nhưng đối với những người nghèo thì lại khác. 5 kg gạo họ sống cũng được 5-10 ngày. Tôi có nhiêu đó tiền thì góp 1 tấn gạo, rồi đăng Facebook nhờ bạn bè góp thêm khẩu trang, mì gói” - Lộc bộc bạch.

Lộc “trâu” nói trong thời điểm nhạy cảm do tình hình dịch bệnh, việc tập trung đông người là không nên. Vì vậy, sau khi đóng gạo thành những phần quà, Lộc cùng một số người bạn đồng hành rong ruổi trên những chiếc xe máy để mang đến tận nơi ở của người nghèo khổ và trao cho họ.

Nhận những túi gạo cùng mấy gói mì tôm, những người khó khăn cảm thấy ấm lòng. Ông Nguyễn Văn Quang (quận 9, TP.HCM) bị cụt hai tay, sống một mình và kiếm sống qua ngày bằng công việc bán vé số. Cầm túi gạo Lộc vừa mới gửi tặng, ông Quang xúc động nói: “Vì dịch bệnh nên tôi ở nhà, không có tiền ăn. Trong hoàn cảnh như thế này, Lộc không ngại đường xa, mưa nắng đến đây với tôi bằng tình thương và cho tôi gạo, tôi rất cảm ơn và cầu cho Lộc nhiều sức khỏe”.

Không khá hơn gì ông Quang, hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Tài cùng ngụ quận 9 cũng rất khó khăn. Một mình ông Tài nuôi vợ ốm nặng bằng việc chạy xe ôm. Ngày thường mỗi ngày ông Tài kiếm được gần 100.000 đồng, nay dịch bệnh ập tới, ông Tài rơi vào bế tắc.

“Nhờ may có chú Lộc gửi tặng gạo mà vợ chồng tôi lại gắng gượng qua được mùa dịch này. Tôi thấy rất ấm lòng. Việc làm của chú Lộc như này là hiếm có lắm, chạy tới chạy lui để tặng gạo” - ông Tài xúc động nói.

Lộc “trâu” trao gạo cho người nghèo trong đợt dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC

Thương nỗi mặc cảm của người nghèo

Bắt đầu cuộc sống khó khăn từ rất sớm nên Lộc “trâu” thấu hiểu được cuộc sống cơ cực của những người kém may mắn. Lộc tâm sự: “Ngày xưa 14 tuổi là tôi đã đi làm. Hồi đó, tôi bắt gặp một bà cụ nhặt miếng đồ ăn trong thùng rác của một khu chung cư. Cảnh đó cứ ám ảnh trong đầu, tôi tự nhủ phải cố gắng làm có tiền để giúp đỡ người nghèo”.

Ngày xưa Lộc “trâu” chỉ làm phụ hồ, đồng lương chẳng bao nhiêu nên việc giúp người nghèo còn hạn chế. Đến năm 2014, khi đồng lương ổn định, Lộc dùng số tiền chắt chiu có được mua cơm hộp phát cho người lang thang.

Được mẹ và người thân ủng hộ, Lộc “trâu” đã gom hết số tiền dành dụm bấy lâu của mình mua hàng trăm ký gạo ngon, thịt, cá để bắt đầu nấu cơm phát miễn phí cho người nghèo, người lang thang cơ nhỡ trên khắp hang cùng ngõ hẻm TP. 

“Có một kỷ niệm khiến tôi nhớ hoài. Có lần tôi gặp một người ngồi xe lăn vào tiệm cơm nhặt lại những hộp cơm thừa cho vào bọc để ăn. Tôi mời cô vô ngồi ăn thì cô đó không chịu. Cô nói: “Chú cho tôi thì tôi đem về”. Lúc đó, tôi nghĩ rằng họ mặc cảm nên không dám ngồi quán ăn. Từ hình ảnh rất tội nghiệp đó mà tôi bắt đầu tự nấu cơm cho người nghèo” - Lộc nói.

Nghĩ rằng cơm khô thì người lớn tuổi không thể nuốt trôi, Lộc đã đi mua gạo, thử gạo có ngon không rồi từ đó mới nấu để phát. Từ 100 phần, sau dần Lộc phát lên đến 200 phần mỗi chuyến.

“Chuyến đầu tiên chỉ thịt kho hột vịt. Chuyến sau thì ba mẹ thấy người ta khổ nên ba mẹ quyết định phụ mình nấu thêm canh, mấy dì cũng đồng cảm góp thêm tàu hủ kho, xào” - Lộc vui vẻ kể.

Một mình một xe cùng với hàng trăm suất cơm mặn có đầy đủ thịt cá, rau xanh còn nóng hổi, Lộc rong ruổi trên những con đường, trong hang cùng ngõ hẻm ở khắp quận nội, ngoại thành của TP để trao cho họ. Có những hôm anh chàng đi phát cơm miễn phí đến 3, 4 giờ sáng mới về đến nhà, mệt mỏi rã rời vì mất ngủ nhưng trong lòng lại cảm thấy vui vì việc làm của mình đã giúp được cho hàng trăm người nghèo khổ trong những đêm khuya vắng được no bụng, ấm lòng.

Khi thấu hiểu tấm chân tình cũng như việc làm của Lộc, nhiều người đã chung tay góp sức cùng Lộc. Trên con đường thiện nguyện, Lộc “trâu” có thêm nhiều người bạn đồng hành.

“Cậu trẻ cố gắng nha!”

Gần bảy năm nấu cơm rồi mang trao đi miễn phí cho những người nghèo khổ với hàng trăm ngàn suất cơm miễn phí, Lộc “trâu” tâm sự anh chẳng mong nhận lại điều gì. Với Lộc, khoảnh khắc quý giá nhất anh nhận lại được chính là nụ cười và cái bắt tay của một phụ nữ đáng tuổi bà nội. Bà đã vỗ vai anh trìu mến, khích lệ: “Cậu trẻ cố gắng nha!”.

“Đôi tay của bà cụ da đã đổ đồi mồi, tựa như bà nội mình. Hồi xưa, bà nội lo cho tôi rất nhiều nên tôi xem những người lớn tuổi đó như những người bà của mình. Nó là động lực cho mình bước tiếp” - Lộc xúc động chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm