Chung tay thực hiện ‘3 nhất’ trong bảo vệ trẻ em

Đây là thông điệp “ba nhất” trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” được tổ chức sáng 1-6.

Chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” nêu cao ý nghĩa đồng lòng, góp sức của tất cả bộ, ngành, các đơn vị trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em… Hiện nay, rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức làm công tác chăm sóc trẻ em nhưng vẫn đang rời rạc trong công tác hành động, do vậy cần chung tay tất cả cơ quan, mọi người, cộng đồng xã hội, vì các em, bắt đầu từ các em và để chăm lo cho các em. Chăm lo từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Nhà nước, nhân dân, các bậc cha mẹ, các thầy cô luôn dành cho trẻ em những tình cảm, những sự chăm lo và sự phát triển tốt nhất, trẻ em Việt Nam được sống trong một môi trường an lành và phát triển. Trong Chỉ thị 23 của Thủ tướng nêu rất rõ trách nhiệm của từng ngành, của cả phụ huynh cũng như của các em, bản thân các em nên hiểu những quyền của mình để có thể tự bảo vệ mình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giơ cao chiếc quạt giấy dành tặng các em nhỏ có thông điệp về tổng đài 111. Ảnh: VGP

Bộ trưởng yêu cầu cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, thay đổi căn bản từ truyền thông đến cách tiếp cận. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu cần xử lý nghiêm tất cả hành vi vi phạm đến xâm hại thân thể trẻ em.

“Người đứng đầu của mọi cơ quan, đơn vị phải trước hết là người chịu trách nhiệm. Chỉ thị 23 nói rất rõ và Quốc hội rất chú trọng lĩnh vực này. Nếu như trường nào, cơ sở nuôi dưỡng nào, gia đình nào đó mà để xảy ra việc vi phạm Luật Trẻ em, quyền của trẻ em thì người đứng đầu đó dứt khoát phải chịu trách nhiệm. Dù có thể sự việc xảy ra rất ít, tuy nhiên tôi nói ở đây người cha, người mẹ phải chịu trách nhiệm” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng mong muốn trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cần chú trọng “ba nhất”: Phát hiện nhanh nhất; xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất và can thiệp nhanh nhất và tốt nhất cho các cháu, không để chậm trễ.

Đối với các cơ quan, Bộ trưởng đề nghị cần đổi mới cơ chế phối hợp và đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các tổ chức xã hội, các nhân viên xã hội. Mỗi thầy cô, mỗi tổng phụ trách đội, mỗi cán bộ Hội Phụ nữ, cán bộ Mặt trận, cán bộ cựu chiến binh, các anh chị đoàn viên, thanh niên là những cầu nối và là những người mà chung sức, chung lòng nhiều nhất với trẻ em.

Thông qua buổi lễ, bộ trưởng kêu gọi: “Mọi người hãy làm tròn trách nhiệm của mình, nói đi đôi với làm, nói ít nhưng hành động nhiều để trẻ em và mỗi cháu thiếu nhi biết tự mình tìm hiểu về Luật Trẻ em”.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, kêu gọi: “Trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chúng ta hãy tư duy lại về đất nước và thế giới sau đại dịch COVID-19, nơi mà trẻ em cảm thấy an toàn và có thể phát triển tối đa, không bị xâm hại, bạo lực và bóc lột”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm